Địa phương linh hoạt, doanh nghiệp chế biến thuỷ sản cũng nhanh chóng thích ứng điều tiết sản xuất đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Nhờ đó, xuất khẩu thuỷ sản phục hồi, dự kiến hoàn thành mục tiêu của năm.
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất
Những ngày cuối năm nay, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản ở ĐBSCL đang tăng tốc sản xuất để đáp ứng đơn hàng cuối năm.
Theo ông Bành Quang Hạ, Giám đốc Công ty cồ phần Đông lạnh Quy Nhơn, dù gặp không ít khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong năm qua doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó để đảm bảo sản xuất. Đặc biệt thời gian này, nỗ lực tổ chức sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động.
Từ nay đến cuối năm, đơn hàng của doanh nghiệp còn khá nhiều. Hiện các hoạt động kinh tế ở Bình Định đang dần hồi phục trong trạng thái bình thường mới, tùy diễn biến từng giai đoạn chúng tôi sẽ tổ chức sản xuất phù hợp để hoàn thành kế hoạch sản xuất trong năm nay, ông chia sẻ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Sao Ta cũng cho biết, khi giãn cách xã hội, doanh nghiệp chỉ có thể duy trì 40% công suất, lực lượng công nhân từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8. Sau đó, tỉnh Sóc Trăng nới lỏng giãn cách xã hội, Sao Ta tăng dần công suất nhà máy, đạt 80% công suất vào ngày 16/9 và thời gian này, nhà máy hoạt động 100% để có sản phẩm trả đơn hàng cho các đối tác.
|
Xuất khẩu thủy sản phục hồi nhanh chóng - Ảnh: Minh Dũng. |
"Dù lượng tôm nuôi ở ĐBSCL giảm mạnh nhưng nhờ có tôm dự trữ và hơn 200ha tôm nuôi của công ty chưa thu hoạch nên chúng tôi vẫn tự tin hoàn thành chỉ tiêu doanh số xuất khẩu năm 2021 đã đề ra", ông nói.
Ghi nhận từ thực tế, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã có tác động lớn khi doanh nghiệp được trao quyền chủ động lên phương án tổ chức sản xuất phù hợp, linh hoạt.
Ngành thủy sản cũng đã lấy lại đà phục hồi khi nhiều doanh nghiệp chuyển hướng mua vật tư từ các tỉnh thay cho TP Hồ Chí Minh. Việc tăng nguyên liệu nhập khẩu để chế biến khi nguồn ngư dân đánh bắt còn hạn chế cũng đã giúp tận dụng cơ hội thị trường cuối năm. Đặc biệt, trong điều kiện khó đưa dịch bệnh về con số 0, việc có một bộ phận chuyên theo dõi sức khỏe công nhân được nhiều doanh nghiệp chế biến nông thuỷ sản đánh giá là rất cần thiết để đảm bảo duy trì sản xuất.
Cùng với đó, các địa phương cũng linh hoạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Theo ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", nay là "4 tại chỗ". Trong đó, các doanh nghiệp chế biến cá tra được ưu tiên tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ cao.
Đồng Tháp cũng đang quyết liệt thực hiện các phương án hỗ trợ, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh bám sát với bối cảnh kiểm soát dịch bệnh, theo nguyên tắc mở dần từng bước trong lộ trình bình thường mới đối với các vùng và phải bảo đảm tuyệt đối an toàn.
Ngành thuỷ sản phục hồi nhanh chóng
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Nghị quyết 128 về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã điều chỉnh phương thức chống dịch “từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh”, từ đó tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc cho hoạt động doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp tục duy trì chống dịch Covid-19.
Với các quyết nghị kịp thời của Chính phủ tại Nghị quyết 128 và sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, ngành thủy sản đã có điều kiện và cơ hội phục hồi sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu từ nửa cuối tháng 10/2021 đến nay. Chuỗi cung ứng thủy sản cũng đã bắt đầu được khôi phục, giúp hàng trăm ngàn ngư dân khai thác thủy sản và nông dân nuôi trồng thủy sản có việc làm trở lại và nguồn thu nhập.
Việc phục hồi này đã bù đắp được lượng thâm hụt sâu về kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2021 (tháng 8/2021 giảm 26,8% và cả quý III/2021 giảm 24,1% so với cùng kỳ năm 2020) nhờ tranh thủ được nhu cầu nhập khẩu thủy sản của thế giới đang tăng cao vào cuối năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã phục hồi nhanh chóng vào tháng 10/2021 ngay khi Nghị quyết 128 có hiệu lực, đưa tổng kim ngạch 10 tháng 2021 đạt gần 7,1 tỷ USD, cao hơn 2,1% so với cùng kỳ 2020 và bật tăng cao trong tháng 11/2021, đưa tổng kim ngạch 11 tháng đầu năm đạt 8,034 tỷ USD, cao hơn 4,6% so với cùng kỳ.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp diễn khó lường nhưng với việc “khai thông” vừa chống dịch, vừa sản xuất xuất khẩu của Nghị quyết 128, dự kiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm nay sẽ đạt khoảng 8,7 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2020.
Mặc dù còn nhiều khó khăn và nhiều doanh nghiệp có thể không có lợi nhuận, thậm chí vẫn đang phải gánh lỗ nhưng việc kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trưởng ấn tượng vào cuối năm 2021 sẽ tạo đà cho ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường quốc tế và các khó khăn do dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiếp diễn, VASEP và cộng động doanh nghiệp thủy sản mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT để hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh cũng như có được nhiều cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và gia tăng năng lực cạnh tranh.
(Theo vietnamnet)
Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn