Nhiều đại biểu đề nghị tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phục hồi, vực dậy, phát triển.
Doanh nghiệp là "xương sống" của nền kinh tế
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023 lại tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
Một trong những nguyên nhân, theo ông Thắng là lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất.
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, doanh nghiệp được ví như "xương sống" của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn.
"Đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh", ông Thắng nói.
Đưa ra giải pháp, đại biểu cho rằng, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
"Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng", vị đại biểu nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cũng đề nghị cần có giải pháp hữu hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; phải có giải pháp đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế.
Trước tình trạng các doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản, giải thể ngày càng nhiều, đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị cần điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả và phải phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo lãnh hợp lý để vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa kiểm soát được lạm phát.
Kiến nghị giảm 4% thuế VAT
Trong khi đó, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho biết, từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đợt giảm rồi lãi suất điều hành.
"Đây được xem là sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng khó tiếp cận với vốn vay", đại biểu đoàn Sóc Trăng cho biết.
Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải quy định trần room tín dụng. Bà cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần có phương thức điều hành linh hoạt, đó là giao tổng room từ đầu năm và điều hành trên cơ sở kế hoạch được lập ra bởi sự thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng, tránh tình trạng nửa đầu năm tăng tốc, cuối năm hết room hoặc là bị siết lại một cách đột ngột.
Bà cũng cho rằng, mức giảm thuế VAT 2% chưa phải là mức tốt cho nền kinh tế, bởi trong bối cảnh các nước đang cạnh tranh bằng cách giảm gánh thuế, giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp để thu hút đầu tư thì cần xem xét giảm thuế giá trị gia tăng ở mức cao hơn để khuyến khích tiêu dùng, tăng sức mua.
"Đề nghị Quốc hội xem xét mức giảm thuế VAT xuống từ 3 - 4% thay vì chỉ giảm 2%", đại biểu Tô Ái Vang nói, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét áp dụng giảm thuế VAT kéo dài đến hết năm 2024.
Theo VTVNews