Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT công bố bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/11/2021 thay thế Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.
Bộ NN&PTNT cho biết, việc ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT xuất phát từ 3 lý do chính. Trước tiên, ngày 14/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2019/NĐ-CP quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
|
Cán bộ kiểm dịch động vật, Cục Thú y kiểm tra cá nục hoa nguyên con nhập khẩu từ Nhật Bản tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Phúc Nguyên |
Khoản 4 Điều 21 của Nghị định 85 quy định: Hàng hóa được đưa vào Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành và đáp ứng đủ 3 yêu cầu.
Thứ nhất là có tên gọi chi tiết của hàng hóa kèm mã số HS phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành và Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam. Thứ hai là có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng áp dụng cho mặt hàng kiểm tra làm cơ sở để kiểm tra hàng hóa. Thứ ba là có quy định trình tự kiểm tra, thủ tục kiểm tra, thời hạn kiểm tra, cơ quan kiểm tra chuyên ngành, tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.
Đồng thời, điểm b khoản 1 Điều 26 Nghị định 85 quy định trách nhiệm của các bộ như: ban hành danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành theo quy định tại Điều 21 Nghị định 85 và công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Vì vậy, Bộ NN&PTNT cần rà soát lại các danh mục hàng hóa tại Thông tư 15 để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 4 Điều 21 Nghị định 85/2019/NĐ-CP, nhất là tiêu chí liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và ban hành bổ sung danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sau thông quan.
Bên cạnh đó, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết để yêu cầu các bộ rà soát, cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành nhằm thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia như: Nghị quyết 99/NQ-CP ngày 13/11/2019 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 07/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025.
Bộ này cần thống nhất một đầu mối kiểm tra chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ theo yêu cầu tại Nghị quyết 99/NQ-CP.
Trong đó, loại bỏ một số dòng hàng không thực hiện kiểm tra như: chất hỗ trợ chế biến casein; bổ sung việc kiểm tra đối với nhóm hàng bột, tinh bột có nguồn gốc từ thực vật; rà soát để cắt giảm tối thiểu 20% hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.
Cuối cùng, Bộ NN&PTNT triển khai các luật đã được Quốc hội đã thông qua như: Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp năm 2017 (có hiệu lực từ 01/01/2019), Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi năm 2018 (có hiệu lực từ 01/01/2020), hệ thống các văn bản hướng dẫn những luật này cơ bản đã được hoàn thiện. Từ đó, đòi hỏi các danh mục hàng hóa gắn mã HS ban hành kèm theo Thông tư 15 cần được rà soát lại nhằm đảm bảo thống nhất, phù hợp với các quy định mới ban hành trên. Ví dụ như liên quan đến giống thủy sản, giống cây trồng, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm, vi sinh vật, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản…
Theo Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT, việc ban hành thông tư đã đảm bảo tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thành lập tổ soạn thảo; đăng tải dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của bộ; gửi xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành, một số hội, hiệp hội, một số đơn vị thuộc bộ; tổ chức họp hội đồng tư vấn thẩm định...
Trong quá trình soạn thảo, Bộ NN&PTNT đã lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý từ các bên, từ đó rà soát để cắt giảm những dòng hàng không cần thiết phải kiểm tra chuyên ngành; đồng thời áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu về cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ./.
(Theo thoibaotaichinhvietnam)