Kết cấu hạ tầng cảng yếu, dịch vụ hậu cần phục vụ phát triển nghề cá chưa theo kịp sự phát triển, kìm hãm hoạt động khai thác thuỷ sản ở Hải Phòng.
Hải Phòng là ngư trường trọng điểm của cả nước với trên 3.000 tàu thuyền và trên 10.000 lao động hoạt động nghề cá. Đây còn là địa bàn đánh bắt thuỷ sản thường xuyên của hàng nghìn tàu cá các tỉnh từ Quảng Ninh đến Phú Yên. Vì vậy, để phát triển hoạt động khai thác thuỷ sản TP Hải Phòng đã xây dựng hệ thống cảng cá, bến cá, khu neo trú cho tàu thuyền tương đối đa dạng từ trong bờ, ven biển đến giữa vịnh Bắc Bộ. Tuy nhiên, hệ thống này hiện không đáp ứng kịp nhu cầu hoạt động khai thác thuỷ sản.
Hạ tầng yếu
Ngoài cảng cá Trân Trâu được đầu tư quy mô gần 300 tỷ đồng để đáp ứng yêu cầu cấp bách chuyển toàn bộ hoạt động cảng cá Cát Bà về cảng Trân Châu thì hầu như các cảng cá và khu neo đậu chưa được đầu tư xứng tầm.
Cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) được biết đến là nơi neo đậu, tránh bão của không chỉ tàu cá trên địa bàn TP Hải Phòng mà còn của các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, sau gần 20 năm đưa vào khai thác, luồng vào cảng Ngọc Hải bị đất, cát sa bồi nghiêm trọng, gây khó khăn lớn đối với các tàu, thuyền ra vào trao đổi hàng hoá và tránh trú bão.
Sau 13 năm đưa vào sử dụng, hạ tầng tại bến cá Mắt Rồng xuống cấp nghiêm trọng, luồng lạch bị bồi lấp, nhiều đoạn chỉ rộng từ 4 đến 5m, độ sâu từ 0,2 đến 0,8 m.
Còn tại khu đậu tàu thuyền Mắt Rồng, xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, theo ghi nhận của PV, hạ tầng bị xuống cấp nghiêm trọng, âu tàu nhỏ hẹp, bị xa bờ do không được nạo vét thường xuyên nên chỉ đáp ứng được khoảng hơn một nửa số tàu thuyền của ngư dân, số tàu còn lại phải neo đậu ở các vị trí khác.
Theo ông Vũ Văn Cự - Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu cho biết, liên tập đoàn có 500 phương tiện đánh bắt thủy sản có công suất máy từ 40 CV trở lên. Mỗi khi có mưa bão hoặc kết thúc chuyến ra khơi, nhiều ngư dân phải đưa phương tiện về neo tại cảng cảng Ngọc Hải (quận Đồ Sơn); Quán Chánh (huyện Kiến Thụy); Trân Châu (huyện Cát Hải) do luồng vào khu vực neo đậu Mắt Rồng bị sa bồi khá nhiều.
Cũng tại huyện Thủy Nguyên, theo quy hoạch hệ thống các cảng cá, bến cá và neo đậu tránh trú bão, bến cá Đông Xuân (xã Phả Lễ) sẽ được đầu tư nâng cấp trở thành cảng cá loại 2 gắn liền với khu neo đậu cho tàu cá cấp tỉnh.
Cụ thể, trong quy hoạch giai đoạn, dự án được cải tạo nâng cấp trên diện tích 20ha đảm bảo an toàn neo đậu cho tàu có công suất từ 45 đến 300CV. Thế nhưng, trong khi giai đoạn 1 chưa xong, toàn xã đã có hơn 100 tàu có công suất từ 400CV đến 1000CV. Do đó, người dân Phả Lễ rất băn khoăn về số tàu công suất lớn đang được vận hành, khi không ra khơi hay tránh bão rất khó khăn trong việc tìm kiếm nơi đỗ, neo đậu. Tàu cá khi về, buộc phải neo đậu ở cửa sông hoặc nơi khác, gây khó khăn rất lớn cho việc quản lý cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá, đồng thời gây mất an toàn cho tàu thuyền và ngư dân đi biển.
Không riêng gì bến cá Đông Xuân, cảng cá Mắt Rồng... hiện nhiều bến cá khác, như: Quán Chánh (xã Đại Hợp, Kiến Thụy); bến cá Thủy Giang kết hợp tránh trú bão tại phường Hải Thành,… đều dễ nhận thấy, các cảng cá, bến cá này vắng tàu thuyền neo đậu. Nguyên nhân là do hệ thống luồng lạch cũng như khu neo đậu tàu thuyền tại đây đều xuống cấp nghiêm trọng, bùn cát bồi lấp có nơi lên đến cả mét là nguyên nhân chính khiến tàu thuyền rất khó ra vào tránh trú, đặc biệt là tàu công suất lớn.
Dịch vụ hậu cần cũng đang phát triển chậm
Không chỉ có kết cấu hạ tầng cảng yếu, dịch vụ hậu cần của ngành thuỷ sản Hải Phòng cũng đang phát triển rất chậm, khâu bảo quản, thu mua sau đánh bắt gần như bị bỏ ngỏ. Chính vì vậy, ngư dân không đưa sản phẩm về bờ mà bán ngay ngoài ngư trường. Nhiều cơ sở chế biến rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu, dẫn đến sản lượng thuỷ sản chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa hầu như không tăng trưởng.
Được biết, TP Hải Phòng đã quy hoạch diện tích hơn 83ha xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá tại xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên. Đồng thời, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với mức kinh phí dự kiến 1.368 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thuỷ sản trung tâm. Tuy nhiên, hiện dự án vẫn là bãi đất trống, bỏ hoang. Trong khi đó, các dịch vụ bốc xếp, phân loại, thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển thủy sản sau thu hoạch. Dịch vụ kinh doanh xăng dầu, nước ngọt, sản xuất đá lạnh, kho lạnh, cung ứng lương thực, thực phẩm, điện lưới, vật tư, ngư cụ và các nhu yếu phẩm khác cho hoạt động nghề cá. Dịch vụ gia công, sửa chữa ngư lưới cụ, đóng mới, sửa chữa tàu cá, cơ khí, trang thiết bị hàng hải, máy tàu, dịch vụ ăn uống, giải khát và sinh hoạt cho thuyền viên,… đều rất yếu, chưa nói là không có tại một số cảng cá hiện nay của Hải Phòng.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH chế biến – xuất nhập khẩu Việt Trường, hiện các tàu thuyền rất hạn chế cập bến để bán thuỷ sản đánh bắt được. Để đảm bảo nguyên liệu phục vụ sản xuất, từ năm 2007, công ty đã đóng 6 tàu công suất lớn để ra tận ngư trường mua sản phẩm đánh bắt của ngư dân. Doanh nghiệp đang thu mua tới 80% số thuỷ sản của đội cá tỉnh Quảng Nam đánh bắt được trên vùng biển phía Bắc khi vào vụ.
Bến Quán Chánh (huyện Kiến Thuỵ) được TP Hải Phòng phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-UBND ngày 5/11/2008 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 30/6/2011. Dự án xây dựng khu neo đậu với quy mô có sức chứa 200 tàu, diện tích đất sử dụng là 12,6ha; tổng mức đầu tư 77.347 triệu đồng. Nơi đây sẽ là nơi tránh trú của trên 500 tàu công suất từ 400CV trở lên. Nhưng, hạng mục của dự án mới chỉ đáp ứng nhu cầu tránh, trú bão còn khu dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân thì đang bị bỏ qua.
Ngư dân đã nhiều lần đề nghị TP Hải Phòng chỉ đạo thi công hoàn thiện Khu dịch vụ hậu cần nghề cá và đưa vào sử dụng đồng bộ phục vụ nhu cầu đánh bắt, sửa chữa tàu thuyền và cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân.
Với việc đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng nghề cá trên địa bàn TP Hải Phòng là việc hết sức bức thiết. Điều này không chỉ góp phần quan trọng trong việc gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn tạo ra được nền tảng cho phát triển bền vững ngành thủy sản.
Thu Hằng (theo Diễn đàn Doanh nghiệp)