Giá nhiều loại thủy sản ở Trà Vinh tăng cao, người dân phấn khởi

Tại một số đại lý thu mua thủy sản, hải sản ở chợ Trà Vinh trong một tuần nay giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển được mua vào tăng ở mức bình quân từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Gia nhieu loai thuy san o Tra Vinh tang cao, nguoi dan phan khoi hinh anh 1

Chế biến tôm xuất khẩu.

Hàng nghìn hộ nông dân nuôi trồng thủy sản ở vùng ngập mặn ven biển của tỉnh Trà Vinh rất phấn khởi vì giá cả nhiều loại thủy sản như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển tăng cao và ổn định từ trong dịp Tết Nhâm Dần đến nay.

Tại một số đại lý thu mua thủy sản, hải sản ở chợ Trà Vinh trong một tuần nay giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển được mua vào tăng ở mức bình quân từ 20.000-30.000 đồng/kg.

Cụ thể, giá tôm sú loại 20 con/kg có giá 300.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 250.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 180.000 đồng/kg; giá tôm thẻ chân trắng loại 20 con/kg có giá 220.000 đồng/kg, loại 30 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, loại 40 có giá 160.000 đồng/kg; cua biển loại I (2 - 4 con /kg) có giá 350.000 đồng/kg, cua gạch giá 400.000 đồng/kg, cua cái so giá 300.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Nhớ, chủ đại lý thu mua thủy sản tại chợ Trà Vinh, cho biết giá tôm sú, tôm thẻ, cua biển thương phẩm bắt đầu tăng từ trước Tết Nguyên đán do nhu cầu tại các thị trường trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh tăng mạnh.

Cùng với đó, các doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng tăng nhu cầu nguồn tôm nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu của năm mới.

Trong khi đó, nuôi trồng thủy sản trong tỉnh đang ở thời điểm mới bắt đầu. Nguồn tôm, cua biển thương phẩm hiện đang được cung ứng cho thị trường chủ yếu từ nông dân nuôi tôm, cua theo mô hình quảng canh, mô hình nuôi xen canh rừng - tôm.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Minh Truyền, qua khảo sát hiện toàn tỉnh có hơn 5.750 ha được người dân sản xuất theo mô hình rừng-tôm-cua-cá. Thu nhập bình quân của mô hình sản xuất này đem cho nông dân từ 150-200 triệu đồng/ha/năm.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến khích nông dân ở các vùng ven biển đa dạng hóa các mô hình sản xuất nuôi trồng thủy sản; nhất là phát triển mô hình trồng và bảo vệ rừng kết hợp nuôi tôm, cua, cá sinh thái.

Kiên Giang: Phát triển nghề nuôi hải sản an toàn và hiệu quả

Đối với vùng nước lợ, nông dân không đủ điều kiện về diện tích, nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống ao nuôi tôm thâm canh công nghệ cao được khuyến khích mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm sú, tôm càng xanh, cua biển.

Mô hình nuôi thủy sản kết hợp này còn có lợi thế là giá tôm, cua nuôi sinh thái luôn cao hơn tôm, cua nuôi thâm canh từ 15-20%. Trong quá trình nuôi người nuôi thu hoạch dần chọn lựa tôm đạt kích cỡ loại I (10 con/kg trở lại), cua gạch, cua thịt từ 2-3 con/kg để bán được giá cao, không bị động khi thị trường thị trường cung vượt cầu./.

Theo TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục