Giá cả đang neo mức cao với nhu cầu phục hồi sau đỉnh dịch giúp các doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng đến ba chữ số.
Năm nay, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) muốn có lãi 900 tỷ đồng, tăng đến 528% so với năm ngoái. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng hơn 318% lên 200 tỷ đồng. Có mức nền thấp trong năm ngoái, Công ty cổ phần Thủy sản Mê Kông đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận tăng hơn 340% dẫu con số thực tế chỉ đạt một tỷ đồng, rất thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Các doanh nghiệp lớn khác như Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) hay Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) cũng lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số. Báo cáo sơ bộ 2 tháng đầu năm của các doanh nghiệp này cũng chỉ ra nhiều mảng màu tích cực. Doanh số tiêu thụ Sao Ta đạt hơn 40 triệu USD, tăng hơn 62% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, Vĩnh Hoàn ghi nhận doanh thu hơn 1.850 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ sản phẩm cá tra tăng 160%, bánh phồng tôm tăng 87%...
Diễn biến thị trường thủy sản thuận lợi nhen nhóm từ cuối năm ngoái dự đoán tiếp tục kéo dài trong năm nay. Ban lãnh đạo Thủy sản Mê Kông cho biết, cá tra vẫn là mặt hàng ưa chuộng thời gian tới khi hơn 140 quốc gia và vũng lãnh thổ tiêu thụ. Cá tra là sản phẩm chiến lược, nhà nước tiếp tục ban hành chính sách đặc thù để phát triển nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm này. Hiện tại, nguồn tự nuôi và hợp tác đầu tư với nông dân vẫn ổn định.
Về xuất khẩu, theo Sao Ta, nhu cầu về sản phẩm thủy sản sẽ tăng khi Covid-19 được kiểm soát ở các thị trường nhập khẩu. Sản phẩm tôm được ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao và dễ chế biến, do đó sẽ còn nhiều dư địa phát triển. Sức cầu nhiều lại gặp ngay giai đoạn nguồn cung dồi dào do công nghệ nuôi tôm ngày càng phát triển.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, người nuôi hiện nay cập nhật kỹ thuật nuôi tiên tiến cho năng suất cao, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro trong quá trình với nhiều mô hình hiện đại. Nhờ đó, diện tích nuôi tôm không ngừng được mở rộng, góp phần tăng nguồn cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Báo cáo gần đây của Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá, ngành thủy sản sẽ tiếp tục lạc quan trong năm nay. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỷ USD, tăng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng. Giá hai mặt hàng này dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2022 do tình trạng thiếu nguyên liệu và nhu cầu phục hồi tại các thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành thủy sản Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại như EVFTA, UKVFTA...
Chứng khoán Yuanta cũng kỳ vọng giá cá tra sẽ vẫn ở mức cao trong nửa đầu 2022 do nguồn cung hạn chế. Chu kỳ nuôi cá tra là 6 tháng, các nước lớn về nguồn cung cá tra hầu như đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trong quý II-III/2021. Do đó, đơn vị này cho rằng nguồn cung có thể mất thời gian để phục hồi tốt hơn trong nửa sau năm 2022.
Tuy nhiên ABS lưu ý, ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như giá thức ăn cho tôm và cá tăng cao, chi phí logistics tăng, giá dầu tăng làm nâng chi phí vận chuyển. Ngoài ra, ngành còn chịu áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành thủy sản có diễn biến rất tích cực với đà tăng liên tục hơn một tháng qua. Ngay cả trong những phiên thị trường lao dốc như ngày 28/3, các đại diện trong ngành này vẫn đạt mức tăng trần.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/4, mã VHC đạt 96.000 đồng một đơn vị, tăng hơn 23% so với hồi đầu tháng 3. Mã FMC cũng tăng gần 14,8% lên 70.600 đồng một đơn vị. Nổi bật có IDI khi mã này đã tăng gần 74% trong hơn một tháng qua, hiện ở mức 28.600 đồng một đơn vị.
Phương Linh
(Theo vnexpress.net)