VASEP, VITAS đề nghị dừng nhiều khoản phải đóng để doanh nghiệp tăng lực chống dịch

Trong văn bản góp ý với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Hiệp hội Dệt may (VITAS) để nghị giảm mức đóng phí công đoàn cho tất cả các doanh nghiệp, giảm 30% tiền điện cho tất cả doanh nghiệp trong ngành đến hết năm 2021, dừng thu phí hạ tầng cảng biển, giảm 50% phí cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp.
VASEP VITAS đề nghị dừng nhiều khoản phải đóng để doanh nghiệp tăng lực chống dịch
Ảnh minh họa

Đưa ra kiến nghị về giảm tiền điện, VASEP cho biết nếu chỉ giảm tiền điện cho “kho bảo quản” như dự thảo Nghị quyết sẽ không giúp được chuỗi sản xuất - chế biến, xuất khẩu thủy sản. Vì vậy, VASEP đề nghị giảm 30% tiền điện cho các doanh nghiệp từ khâu nuôi trồng - chế biến - cấp đông - bảo quản. Như thế sẽ có ý nghĩa lớn tác động đến việc phục hồi sản xuất - xuất khẩu thuỷ sản của cả chuỗi.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký VASEP giải thích, các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản không tách rời với sản xuất của cả chuỗi thuỷ sản, bao gồm lực lượng đông đảo nông dân nuôi trồng và ngư dân khai thác biển. Một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản sẽ gồm đủ tổ hợp cần điện để thực hiện được nhiệm vụ chế biến, đó là chế biến - cấp đông - kho bảo quản. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.

Ngành thuỷ sản khẳng định được vị thế hiện nay là nhờ sự đầu tư lớn của các doanh nghiệp vào cả khu vực chế biến lẫn nuôi trồng thủy sản, 

để được cấp các chứng nhận quốc tế về phát triển thủy sản bền vững trong tất cả các khâu như tiêu chuẩn GLOBAL G.A.P., ASC, BAP...

Bên cạnh lĩnh vực chế biến, đại dịch Covid-19 đã làm lĩnh vực nuôi thủy sản bị thiệt hại nặng nề, cần được Nhà nước hỗ trợ mới có thể duy trì, tái đầu tư… làm nền tảng cho công tác marketing bán hàng của doanh nghiệp để có thể giữ vững vị thế của thuỷ sản Việt Nam trên thương trường.

Ông Nam nói thêm, kiến nghị của VASEP đã được nêu lên tại cuộc gặp Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 13/8. Tại cuộc gặp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nói rằng kiến nghị của VASEP là khả thi. Bộ sẽ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực xem xét giảm một cách phù hợp, đặc biệt ưu tiên cho nhóm bảo quản và chế biến các sản phẩm nông - thuỷ sản, hải sản.

Tương tự, VITAS cũng cho rằng đối tượng được giảm 30% tiền điện được nói đến trong dự thảo Nghị quyết là không đầy đủ, chưa rõ ràng và chưa đúng với tinh thần mà Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nói trong cuộc gặp doanh nghiệp với Thủ tướng.

Kiến nghị của VITAS là giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, cho chế biến nông - lâm - thủy sản và cho một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ cho đến hết năm 2021.

Vấn đề tiếp theo được VITAS và VASEP đề xuất là việc giảm phí công đoàn cần áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Trong khi đó, dự thảo Nghị quyết thì sẽ giảm mức đóng phí công đoàn của doanh nghiệp bị khó khăn vì Covid-19 về mức 1%. 

Lý do của kiến nghị này là doanh nghiệp đang vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã ngưng hoạt động trong khi khoản kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn là vô cùng lớn.

“Việc giảm mức đóng này là chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả người lao động và doanh nghiệp, đồng thời phát huy vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vừa có ý nghĩa để chung tay với Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đẩy lùi dịch bệnh”, Phó Tổng thư ký VASEP nói.

Còn VITAS đề nghị: Dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022, với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là ít nhất có 15% lao động, kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) thay vì 50% như quy định tại Công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động ngày 28/5/2021.

Riêng với các doanh nghiệp tại các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 thì không phải giảm mức đóng về 1% mà “ miễn đóng đến 31/12/2021”, Tổng thư ký VITAS, bà Hoàng Ngọc Ánh đề xuất thêm.

Đồng thời, VITAS kiến nghị cho phép doanh nghiệp phối hợp với Công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động và hỗ trợ người lao động gặp khó khăn...

Trong các văn bản kiến nghị của mình, VITAS và VASEP cũng đều đưa ra đề nghị TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng dừng thực hiện việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển và cửa khẩu từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022 và điều chỉnh giảm ít nhất 30% các mức phí đang áp dụng. Đồng thời, đề nghị các cảng biển giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng (phí nâng hạ container, phí bốc dỡ, lưu kho, cắm điện...) từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.

Các khu công nghiệp cũng được đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.

“Hiện tại các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi Hải Phòng đã thu từ 1/1/2017 đến nay với số tiền rất lớn, mà Luật Phí và lệ phí quy định chỉ thu để cơ bản bù đắp chi phí đã đầu tư...”, văn bản của VITAS viết.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục