Sáng 28/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo Môi trường Kinh doanh Việt Nam 2016 - 2019 qua xếp hạng Doing Business: Kết quả và một số gợi ý cải cách.
Trao đổi về những tác động của Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và một số tác động tới môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thẳng thắn nhìn nhận: "Không thể giàu có lên mà không lao động".
"Chúng ta phải khuyến khích sự chăm chỉ, năng động, sáng tạo thì mới tạo ra giá trị gia tăng cho họ, tăng được thu nhập cho người lao động và tăng được sự cạnh tranh, thịnh vượng của một quốc gia", ông Cung nói.
"Theo tôi, cách tiếp cận của Luật Lao động về vấn đề giờ làm thêm không còn phù hợp với xu thế, thời đại ngày nay. Nếu như, giờ làm giảm thì chỉ bảo vệ những người lao động lười biếng và khuyến khích sự lười biếng nhiều hơn chứ không tăng phúc lợi cho người dân và người lao động", nguyên Viện trưởng CIEM thẳng thắn chỉ ra.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Cao Bảo – Phó Tổng giám đốc FPT cũng cho rằng, có 6 vấn đề cần làm rõ đối với việc giới hạn giờ làm thêm, bởi quyết định này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới xã hội mà còn tác động tới môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh Việt Nam.
Theo ông Bảo, làm thêm giờ đang bị hiểu chưa thực sự đúng đắn, làm thêm là quyền của lao động chứ không phải là nghĩa vụ hay doanh nghiệp bắt ép, khống chế. Trong xã hội có rất nhiều người đam mê làm việc, nhóm thứ hai là những người làm thêm vì nhu cầu kinh tế. Việc giới hạn thời gian làm thêm giờ là đi ngược lại với mong muốn của họ.
"Nếu chúng ta muốn bảo vệ người lao động không muốn làm thêm thì cần dùng biện pháp khác, không để các doanh nghiệp khống chế, bắt người lao động không muốn làm thêm đi làm thêm", ông Bảo nhìn nhận.
Xã hội có rất nhiều ngành nghề muốn làm thêm như: Văn nghệ sĩ, bác sĩ, vận động viên, kiến trúc sư,… ngay cả ngành lập trình của chúng tôi cũng rất nhiều người muốn làm thêm, làm vì đam mê chứ không phải làm vì kinh tế, họ muốn cho ra đời những sản phẩm chất lượng.
Theo ông Bảo, quyền của người lao động là được làm thêm. Những nước văn minh họ muốn kiểm soát dần hoặc khi họ muốn kích cầu thì mới hạn chế làm để người lao động làm thêm. Việc hạn chế làm thêm không có nghĩa là chăm lo cho người lao động mà đang khống chế rất nhiều người.
Vấn đề thứ hai cần cân nhắc là tại sao doanh nghiệp phải làm thêm giờ? Bản thân trong kinh doanh có rất nhiều ngành nghề có mùa cao điểm và thấp điểm. Thị trường có nhu cầu hoàn toàn khác nhau, lúc thì rất cao, lúc thì thấp không thể duy trì lúc nào cũng đông. Như vậy, doanh nghiệp cần tăng ca vào mùa cao điểm và phải có người có kiến thức, kỹ năng cao chứ không phải tuyển thêm lao động từ bên ngoài vào, ông Bảo chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc giới hạn giờ làm thêm giờ cũng gây ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh. Trong số 12 chỉ tiêu của năng lực cạnh tranh quốc gia, có 2 chỉ tiêu trực tiếp bị ảnh hưởng là kỹ năng của người lao động và chi phí người lao động dư thừa cao hơn.
Đặc biệt, việc giới hạn giờ làm thêm cũng ảnh hưởng đến tinh thần quốc gia. Chúng ta là một nước nghèo, người nghèo muốn thoát nghèo và trở lên giàu có thì phải chăm chỉ. Một quốc gia nghèo muốn trở lên giàu thì người dân phải chăm chỉ.
Nhiều ý kiến cho rằng, hạn chế lao động làm thêm để giảm tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, không phải cứ bắt người khác làm ít đi những lao động thất nghiệp sẽ có việc để làm. Giống như tinh thần làm giàu, tinh thần khởi nghiệp cũng phải được truyền cho các bạn trẻ, nếu thất nghiệp thì phải tự tìm việc mà làm, không thì tự tạo ra việc để làm.
(Theo vietnamfinance)