Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng ý với đề xuất của 14 hiệp hội về miễn đóng phí công đoàn hết năm, song phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ngày 1/9, ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, lý giải theo Luật Công đoàn, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng. "Việc miễn giảm phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Quốc hội thông qua, vì quy định này nằm trong Luật", ông nói.
Ông chia sẻ, chủ trương miễn giảm kinh phí công đoàn 2021-2022 đã được cơ quan này tham mưu khi góp ý dự thảo nghị quyết Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do dịch từ giữa tháng 8. Song mức giảm bao nhiêu, thực hiện thế nào thì phải chờ Quốc hội thông qua. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ cùng với bộ ngành thống nhất những nhóm doanh nghiệp nào được miễn giảm.
"Siêu thị 0 đồng" hỗ trợ công nhân mùa dịch do Liên đoàn Lao động Bắc Giang mở tại xã Song Khê, TP Bắc Giang, tháng 5/2021. Ảnh: Hồng Chiêu
Hai ngày trước, cơ quan này nhận được kiến nghị của 14 hiệp hội doanh nghiệp, đề xuất miễn đóng kinh phí công đoàn từ nay đến hết năm 2021; tạm dừng thu phí công đoàn, đoàn phí công đoàn hết tháng 6/2022 cho doanh nghiệp ảnh hưởng 15% lao động thay vì 50% lao động; dùng quỹ công đoàn kết dư tại doanh nghiệp trả chi phí xét nghiệm Covid-19 và mở rộng nhóm thụ hưởng hỗ trợ một triệu đồng tiền ăn cho doanh nghiệp "ba tại chỗ".
Hiện, gần một triệu công nhân "ba tại chỗ" đang hưởng chính sách hỗ trợ một triệu đồng thông qua bữa ăn. Nguồn kinh phí tương đương 1.000 tỷ đồng, trích từ tài chính công đoàn các cấp.
Về đề xuất mở rộng phạm vi và nhóm doanh nghiệp thụ hưởng chính sách, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết đã chỉ đạo công đoàn cơ sở rà soát thêm doanh nghiệp thực hiện "một cung đường, hai điểm đến"; doanh nghiệp thực hiện "ba tại chỗ" tại địa phương áp dụng Chỉ thị 16 theo khu vực. Trên cơ sở thống kê, cơ quan này sẽ có hỗ trợ phù hợp, vừa "chia lửa" với doanh nghiệp, vừa hỗ trợ người lao động và nằm trong khả năng tài chính công đoàn.
Về kiến nghị cho doanh nghiệp được dùng quỹ công đoàn kết dư tại doanh nghiệp để trả chi phí xét nghiệm, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nói việc này công đoàn cơ sở chủ động, cơ quan đã có hướng dẫn cho các cấp.
Cán bộ công đoàn huyện Bình Chánh, TP HCM nhận thanh long từ một đơn vị tài trợ cho công nhân khó khăn, tháng 8/2021. Ảnh: An Phương
Quỹ công đoàn kết dư hơn 29.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019, ông Phan Văn Anh cho biết nguồn này đang được chi hỗ trợ người lao động, như: Túi an sinh, chi tiền mặt trực tiếp cho công nhân là F0, F1, thực hiện "ba tại chỗ"... Thống kê sơ bộ, quỹ này đã được sử dụng trên 50%, trong bối cảnh nguồn thu giảm và chi thường xuyên tăng lên.
"Thời gian tới nếu dịch vẫn phức tạp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục có chính sách hỗ trợ công nhân lao động từ nguồn quỹ trên. Với tình hình này, tới năm 2022 thì tài chính công đoàn cũng không còn tích lũy", ông nói.
(Theo vnexpress)