Sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP: Giảm thủ tục, tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp

Chiều nay (30/6), Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng tại Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định 38/2012/NĐ-CP”.

Mất thời gian, tăng chi phí

Chia sẻ với một số cơ quan báo chí về những bất cập của Nghị định 38, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP cho hay, bất cập lớn nhất, gây khó nhất cho doanh nghiệp (DN) là thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP).

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy” (Khoản 9 Điều 3 và Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật). Tuy nhiên, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con".

Cụ thể, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, để được cấp chứng nhận hợp quy và phù hợp với quy định về ATTP, DN phải gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định nhằm kiểm nghiệm sản phẩm đạt chất lượng. Sau đó, DN công bố chất lượng sản phẩm. Tiếp theo, DN xin xác nhận công bố phù hợp ATTP bằng cách nộp hồ sơ cho Cục ATTP – Bộ Y tế về kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng và một số giấy tờ khác. Cục ATTP thẩm xét giấy tờ, rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Cuối cùng, ở khâu hậu kiểm, cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

Ở khâu xin xác nhận công bố phù hợp ATTP, thời gian quy định là 1,5 tháng (đối với thực phẩm bổ sung). Tuy nhiên, thực tế, phần lớn thời gian kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 3-6 tháng. Do đó, theo các hiệp hội, việc chờ đợi để được cấp “Giấy xác nhận” đang có tính chất tạo thêm một “Giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Phân tích kỹ hơn về điều này, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban pháp chế - VCCI nêu ví dụ, theo quy định của Nghị định 38, DN đang phải “cõng” hàng chục giấy phép con vì phải đăng ký cả các nguyên liệu cùng với sản phẩm cuối cùng.

“Với một chiếc bánh socola phải sử dụng khoảng 12 nguyên liệu để làm, muốn được cấp chứng nhận hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, DN phải đi xin 12 giấy phép cho 12 nguyên liệu đó, rồi cuối cùng lại đi xin chứng nhận cho toàn bộ sản phẩm cuối cùng. Đó là điều không cần thiết và gây khó khăn cho DN” – ông Tuấn phân tích.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcharm) cho hay, Amcharm hiện xuất khẩu đến rất nhiều quốc gia nhưng không bạn hàng nào yêu cầu các văn bản tiêu chuẩn quy chuẩn mà họ đẩy mạnh hậu kiểm, đi vào kiểm tra nguyên liệu đầu vào. Tại Việt Nam, tất cả mọi chi phí cuối cùng sẽ đổ lên đầu DN, dồn vào giá thành, gây tăng chi phí cho DN và giá bán cho người tiêu dùng.

Đại diện Amcharm chỉ rõ, thay vì chỉ mất thời gian 7 ngày làm việc như quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, để xin giấy chứng nhận hợp quy, đã có DN mất tổng cộng 4 tháng 2 ngày, mặc dù sản phẩm đã có phiếu kiểm nghiệm đạt chất lượng theo quy chuẩn khi nộp hồ sơ. “Đặc biệt, Nghị định 38 nêu rõ DN phải chịu trách nhiệm về những gì đã công bố thay vì Cục ATTP. Như vậy, tất cả quá trình kiểm nghiệm của Cục ATTP nhằm tác dụng gì?” - đại diện Amcharm đặt câu hỏi.

Giải pháp nào cho DN?

Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN, VASEP cho rằng cần sửa đổi các quy định gây khó khăn cho DN.

Cụ thể, trong khâu kiểm nghiệm và xác nhận hợp chuẩn, quy trình nên rút gọn thành DN gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Các phòng kiểm nghiệm được chỉ định có trách nhiệm kiểm nghiệm sản phẩm. Nếu sản phẩm đạt chất lượng sẽ được xác nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở của DN và các quy định hiện hành về ATTP của Việt Nam, công bố trên website của phòng kiểm nghiệm. Cơ quan quản lý thay vì ngồi bàn giấy thẩm xét giấy tờ sẽ tập trung vào đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.

VASEP cũng đề nghị bãi bỏ quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP”, vì Luật ATTP không hề có quy định này.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, do có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng. Trong bối cảnh chưa có quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cần có giải pháp trước mắt. Cụ thể, đề nghị Chính phủ, một mặt, yêu cầu các Bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN; mặt khác, giao Bộ Y tế và các Bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ các quy định đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra.

Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia Dự án USAID GIG nêu ý kiến, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Điều 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.

Phản hồi lại ý kiến của các Hiệp hội, đại diện Cục ATTP bảo lưu ý kiến cho rằng không thể bỏ thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) vì việc quản lý ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, Hiệp hội và DN, những vướng mắc này đã tồn tại khá lâu và phát sinh từ quá trình thực tiễn. Do đó, cần thiết phải từng bước sửa đổi theo lộ trình để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN.

Phương Lan 

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục