Quảng Ninh nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC thuỷ sản

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Theo Sở NN&PTNT Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có trên 8.000 tàu cá; trong đó 209 tàu cá dài trên 15m, gần 1.300 tàu cá từ 12-15m, còn lại là tàu cá dưới 12m. Vùng khai thác chủ yếu trong ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Vùng biển trải dài, số lượng phương tiện tàu thuyền lớn, để giải quyết dứt điểm tình trạng đánh bắt trái phép với Quảng Ninh là không hề đơn giản. Tuy nhiên, với quyết tâm “gỡ thẻ vàng” EC đưa thủy sản Quảng Ninh tới Châu Âu, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh này đã có nhiều nỗ lực nhằm chống khai thác thủy sản bất hợp pháp trên địa bàn.

Từ năm 2021 đến nay, ngành này đã kiểm soát gần 2.000 lượt tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên cập cảng, rời cảng tại cảng Cái Rồng. Sản lượng thuỷ sản bốc dỡ qua cảng đạt gần 2.500 tấn, thu 891 cuốn nhật ký khai thác, nhật ký thu mua thuỷ sản. Cấp giấy phép khai thác thuỷ sản cho 185/209 tàu cá (đạt 88,5%); kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 199/209 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (đạt 95,2%).

Anh Lưu Văn Duy, cán bộ Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá cảng Cái Rồng, cho biết: “Văn phòng mới được thành lập và đi vào hoạt động được gần 1 năm nay. Văn phòng có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, quản lý tàu cá về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận ATTP, việc ghi chép nhật ký sản xuất; thực hiện các thủ tục hành chính cho tàu cập cảng, rời cảng trên cơ sở các tàu cá đủ điều kiện cấp; bố trí vị trí cho tàu bốc dỡ sản phẩm khai thác và nhập nhiên, nguyên vật liệu tại cảng; theo dõi quá trình vận hành thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá khi trên biển, kịp thời phát thông báo khi các tàu cá có dấu hiệu xâm phạm vùng biển nước ngoài... Cái Rồng chưa hoàn thiện, chưa được bàn giao và công bố như hiện nay.

Cùng với  hoạt động thanh kiểm tra trên, Quảng Ninh đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 209/209 tàu khai thác thủy sản tuyến khơi có chiều dài trên 15m. Đây cũng là một trong những quy định bắt buộc của EC nhằm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Anh Nguyễn Văn Thành (khu 7, thị trấn Cái Rồng), chủ tàu QN-90256TS, cho biết: “Với thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt, tàu được định vị để cơ quan chức năng dễ dàng theo dõi, quản lý, nhận được tín hiệu cảnh báo mỗi khi chuẩn bị vượt sang vùng biển của nước bạn, từ đó tránh được lỗi khai thác bất hợp pháp”.

Bên cạnh những giải pháp trên, tỉnh Quảng Ninh cũng làm rất tốt công tác bảo vệ, tái tạo, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Đáng lưu ý là chỉ thị số 18-CT/TU (ngày 1/9/2017) của BTV Tỉnh ủy "Về tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”; trong đó quy định rất rõ những nghề cấm, ngư cụ cấm, hành vi trong khai thác thủy sản, trách nhiệm, khung xử lý vi phạm. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã xử lý gần 2.400 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước gần 12 tỷ đồng, bằng 19,3% tổng tiền phạt trong lĩnh vực này của cả nước. Cùng với đó Quảng Ninh đặt mục tiêu thả giống thủy sản về tự nhiên, nhằm tái tạo nguồn lợi mỗi năm ít nhất trên 3 triệu con tôm, cá các loại, từng bước phục hồi, làm giàu, xuất hiện trở lại nhiều đàn thủy sản với số lượng lớn, chủng loại quý, giá trị cao.

Lực lượng chức năng xử lý một tàu đánh bắt không đúng quy định. Ảnh Việt Hoa

Mặc dù đã đạt được những kết quả trong giám sát đánh bắt thủy sản, song mục tiêu chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại Quảng Ninh vẫn còn những tồn tại cần khắc phục ngay. Đó là hạ tầng nghề cá, hiện Quảng Ninh chưa có các cảng cá hoàn thiện, được công nhận và công bố đủ điều kiện hoạt động; qua đó chưa có cơ sở để thực hiện việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác hay xác nhận nguyên liệu thủy sản, một trong những yêu cầu đưa ra của EC.

Cùng với đó, số lượng tàu cá dưới 12m do cấp huyện, cấp xã quản lý chưa được đăng ký, đăng kiểm, cấp biển số khá lớn; từ đó không có giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận ATTP, không ghi chép nhật ký sản xuất, sản phẩm khai thác ra không xác định được nguồn gốc… Đây là lỗ hổng trong công tác quản lý tàu cá, mà nguyên nhân có phần do lịch sử để lại, hiện nay cần phải được xử lý dứt điểm.

Để thủy sản đến với thị trường tiềm năng Châu Âu, hy vọng Quảng Ninh sẽ sớm khắc phục những tồn tại trên.

Ngày 23/10/2017 Ủy ban châu Âu (EC) ra cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam do vi phạm quy định IUU. Lý do của “thẻ vàng” này là tình trạng nhiều tàu cá tuyến khơi không có thiết bị giám sát hành trình, một số tàu có hành vi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài, sản phẩm thủy sản khai thác chưa được chứng nhận về nguồn gốc, về an toàn thực phẩm, nhiều tàu cá thiếu các giấy tờ cần thiết về đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, việc ghi chép nhật ký sản xuất chưa được coi trọng, hạ tầng cảng cá để đáp ứng nơi đậu đỗ, ra, vào cảng, bốc dỡ hàng hóa tại cảng vẫn còn thiếu và yếu…

Phương Linh (Theo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục