Các doanh nghiệp đòi hỏi thay đổi cách làm, cách phối hợp trong xây dựng và thực thi chính sách.
Những lá thư đi - lại
Ba ngày trước, các hiệp hội doanh nghiệp lại gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Văn Thành, đề nghị có một cuộc đối thoại với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ. Nội dung xung quanh các lo ngại của doanh nghiệp về một số bất cập trong Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Đây là lần thứ 5, các hiệp hội gửi đề nghị này tới người đứng đầu Chính phủ kể từ ngày 20/10. Lần gần nhất là ngày 9/11.
“Ngày 18/11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có phiếu chuyển số 2238/PC-VPCP, chuyển các kiến nghị này đến Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét để hoàn thiện Dự thảo, nhưng cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Các hiệp hội khẩn thiết kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ tổ chức một cuộc đối thoại để các hiệp hội có thể nêu ý kiến chi tiết, giúp hoàn thiện dự thảo Nghị định có tính khả thi cao, hội nhập với các cam kết quốc tế, hài hòa lợi ích giúp bảo vệ môi trường và tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh”, bức thư gửi Thủ tướng Chính phủ gửi ngày 23/11 với 15 chữ ký của các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Sự khẩn thiết này đến từ một số nội dung tại Dự thảo đã trình Chính phủ, nhưng theo các hiệp hội, nếu được thông qua, sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm này, khi các doanh nghiệp đang dồn sức vào kế hoạch phục hồi.
Có thể nhắc đến những trùng lắp, không phù hợp, thậm chí ngoài luật trong thủ tục cấp giấy phép môi trường; chưa có quy định rõ ràng về thời điểm thực hiện thủ tục online; lộ trình hạn chế sử dụng nhựa 1 lần chưa phù hợp; chưa có danh mục cụ thể theo thông lệ… Với quy định của Dự thảo, thì đến ngày 1/1/2026, các ống hút sữa gắn với hộp sữa trẻ em, các loại dây truyền dịch, bơm tiêm dùng 1 lần (kể cả tiêm vắc-xin)… sẽ bị cấm dùng; hay các doanh nghiệp ô tô, xe máy sẽ có trách nhiệm thu gom tái chế, dù xe máy, ô tô là tài sản cá nhân…
“Không nước nào trên thế giới quy định như vậy”, các doanh nghiệp gửi giải trình tới Thủ tướng. Và đây chỉ là một vài trong số 6 nhóm vấn đề các doanh nghiệp muốn thảo luận kỹ hơn với Ban soạn thảo.
Cải cách liên tục, sao doanh nghiệp vẫn kêu khó?
Cũng phải nhắc lại, ngày 18/10, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc làm việc với đại diện hiệp hội doanh nghiệp về dự thảo này, sau khi các doanh nghiệp có nhiều ý kiến góp ý. Hôm đó, nhiều vấn đề đã được tháo gỡ, tiếp thu, đặc biệt là việc bỏ quy định thành lập Văn phòng EPR (quy định trách nhiệm của nhà sản xuất) do không có cơ sở pháp lý.
Các doanh nghiệp đã rất hồ hởi nhận tin đó, cùng với cam kết của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc sẽ cắt giảm, cải cách mạnh thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh…
Nhưng giờ, các hiệp hội rất lo lắng vì những thay đổi chưa thực sự rốt ráo, rõ ràng và quan trọng là rất khó khả thi.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang rất trăn trở với thực trạng này.
“Các bộ, ngành, địa phương không phải không nỗ lực cải cách, nhất là khi các yêu cầu về cải thiện môi trường kinh doanh từ Chính phủ rất ráo riết, các nhiệm vụ, mục tiêu cũng rất rõ ràng, nhưng tại sao không tạo nên thay đổi thực sự, để doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng”, ông Hiếu đặt vấn đề.
Đọc nội dung của các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, cũng như các nghị quyết của Quốc hội vừa thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ cụ thể được ghi rõ, như hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ rào cản hạn chế kinh doanh, nâng cao chất lượng, thực thi văn bản quy phạm pháp luật…
“Tôi cho rằng, chìa khóa ở đây là cách làm”, ông Hiếu nói và nhắc đến tình huống khi dịch bệnh căng thẳng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải thực hiện bước nộp hồ sơ gốc bằng giấy, thay vì các quy định, thủ tục trực tuyến.
Ngay cả những khó khăn trong tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do tác động của Covid-19, cho dù được ban hành sớm, cũng có lý do từ các thủ tục không phù hợp.
Bài học thực tiễn cho thấy, cải cách thủ tục hành chính không đơn giản là số hóa thủ tục, không phải là ứng dụng công nghệ để giải quyết các thủ tục hành chính truyền thống, mà là thiết kế thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số, hoạt động số”, ông Hiếu phân tích.
Trở lại nỗi vất vả của các doanh nghiệp với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, có lẽ doanh nghiệp cần sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, hơn là những chỉnh sửa hay thay đổi tên gọi… Vì khi Dự thảo bỏ quy định lập Văn phòng EPR, nhưng lại thay bằng Văn phòng giúp việc cho Hội đồng EPR, những lo ngại về cơ quan quản lý nhà nước tham gia vào hoạt động tái chế vẫn còn nguyên…
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, ông Hiếu nhắc đến điểm yếu trong sự hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp… Đây vốn là điểm yếu trong quản trị quốc gia, nhưng Covid-19 càng cho thấy nếu không có sự hợp tác, không chỉ là tạo rào cản mà chính là điểm nghẽn. Ách tắc trong lưu thông hàng hóa, lưu thông sản xuất vừa qua là bài học kinh nghiệm xương máu.
Không để cơ hội bị bó hẹp bởi điểm nghẽn chính sách
Trở lại, phục hồi đang là yêu cầu cao nhất vào thời điểm này của các doanh nghiệp. Cơ hội không hề nhỏ.
Ông Đặng Xuân Quang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhìn thấy 5 nhóm ngành sẽ dẫn đường cho kinh tế Việt Nam trong năm tới. Cũng có nghĩa là cơ hội phục hồi của các doanh nghiệp trong các nhóm ngành này đang rộng mở.
Một là, các ngành xây dựng, vật liệu sẽ năng động trở lại cùng với kế hoạch thúc đẩy đầu tư công.
Hai là, nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, cao su, sắt thép… Đây là các ngành hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu trên thị trường thế giới.
Ba là, nhóm được kích thích do phục hồi nhu cầu tiêu thụ trong nước sau giai đoạn giãn cách, như thực phẩm và đồ uống, bán lẻ và hàng không.
Bốn là, thương mại điện tử và logistics lên ngôi bởi thói quen tiêu dùng, mua sắm trực tuyến của người dân đã được thiết lập trong bối cảnh đại dịch.
“Thương mại điện tử bùng nổ trong năm 2022. Ngoài ra, nhóm ngành này cũng được hưởng lợi từ sự tăng trưởng thương mại quốc tế của Việt Nam do tác động tích cực của các FTA đã ký kết”, ông Quang nhận định.
Năm là, công nghệ thông tin, nhất là mảng phần mềm doanh nghiệp, thiết bị và dịch vụ. Đặc biệt, tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số mở ra xu hướng đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng, vốn đang tăng cả về tốc độ lẫn quy mô…
Các doanh nghiệp cũng nhìn thấy rõ điều này và đang hành động quyết liệt. Ông Phạm Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, dù cước tàu tăng 10-12 lần, khách hàng khó vào để xem hàng, ký hợp đồng, nhưng doanh nghiệp phải làm mọi cách để giữ kết nối, xuất hàng, dù sản lượng giảm 30-32%...
“Chúng tôi là công ty sản xuất hàng nông sản, nhưng đã tổ chức sàn thương mại điện tử riêng. Trong những giai đoạn bị giãn cách do Covid-19, sàn thương mại của chúng tôi hoạt động rất sôi nổi. Nhiều khách hàng biết đến chúng tôi nhiều hơn qua sàn”, ông Thông lấy ví dụ cụ thể về sự phải linh hoạt, năng động để vượt qua khó khăn của doanh nghiệp, trước khi có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Điều này có nghĩa là các chính sách, quy định phù hợp, khả thi sẽ tạo thêm động năng cho các nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, để tận dụng các cơ hội trên.
“Yêu cầu cải cách luôn đúng, nhưng thời điểm này phải nói đến thay đổi tư duy, cách thức thực hiện và thời gian thực hiện, đặc biệt là khi các gói chính sách phục hồi kinh tế đang được thảo luận, bàn bạc. Nếu không, thủ tục lại trở thành rào cản, tạo sự không công bằng trong tiếp cận”, ông Phan Đức Hiếu nhận định.
(Theo báo Đầu tư)