Bộ Tài chính liên tục rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí để kịp thời trình các cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền, tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, đây vẫn là ưu tiên của Bộ Tài chính, nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch
Gói hỗ trợ lớn nhất hiện nay chính là thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất..., Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác như: hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.
Ngoài ra, còn có các chính sách: tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân. Bên cạnh đó là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh (hỗ trợ tiền thuê nhà; cho vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ tạo việc làm, thực hiện chính sách nhà ở xã hội)...
Theo bà Nguyễn Thanh Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, các chính sách ở Việt Nam, trong đó có chính sách thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đều đã được áp dụng thống nhất. Gói giải pháp tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bao gồm nhiều giải pháp riêng theo từng lĩnh vực và được cụ thể hóa để thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật trong từng lĩnh vực do các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Theo đó, doanh nghiệp căn cứ quy định về đối tượng, phạm vi, điều kiện áp dụng tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và đối chiếu với thực tế của doanh nghiệp để áp dụng cho phù hợp.
Để giúp người dân và doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình được hưởng các chính sách miễn, giảm thuế, tại các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành, hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp.
Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.
Hỗ trợ thuế được đánh giá hữu ích nhất
Để đảm bảo tính hiệu quả, thời gian qua, Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thực tế để có những chính sách theo kiểu “phản ứng nhanh”, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Minh chứng là trước tình hình biến động của giá dầu thế giới tăng cao tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân, ảnh hưởng tới sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 để thực hiện giảm 50% - 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng kể từ ngày 01/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.
Cùng với đà giảm nhẹ của giá dầu thế giới, liên tiếp trong 3 kỳ điều hành gần đây, giá xăng dầu đã giảm từ hơn 800 đồng đến hơn 1.000 đồng/lít, giảm sức ép lên mặt bằng giá cả.
Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với các gói chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ đã nỗ lực hết sức, lắng nghe, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Sự sâu sát từng bước trong triển khai chính sách thể hiện sự lắng nghe, cầu thị và đổi mới của Chính phủ và cơ quan liên quan để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, dù ngân sách nhà nước đang eo hẹp, nhưng Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi Covid-19. Các chính sách hỗ trợ về thuế, nhất là giảm thuế, được các doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất.
Theo ông Hà Huy Tuấn - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, quan điểm chính sách tài khóa tích cực đó là phải biến thách thức thành cơ hội; chấp nhận, tiếp nhận làm quen với trạng thái bình thường mới; thực hiện linh hoạt, không nuối tiếc cách làm truyền thống; coi chính sách tài khóa là chính sách quyết định, quan trọng.
Những nhận định của các chuyên gia kinh tế đã được kiểm chứng và cho thấy, chính sách tài khóa hỗ trợ kinh tế vượt qua đại dịch đã phát huy tác dụng. Cái khéo trong điều hành của Bộ Tài chính, đó là vừa hỗ trợ được nền kinh tế, vừa cơ cấu lại để đảm bảo nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại... Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác các nguồn thu tiềm năng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ tối đa cho người nộp thuế.
Phương Linh
(Theo thoibaotaichinhvietnam.vn)