Không phải tất cả chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được những thành tựu không nhỏ, tuy nhiên vẫn cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn.

m

PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê, đại diện Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia thảo luận

Đánh giá các cơ chế, chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo xu hướng phục hồi tính cực của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước, bảo đảm nguồn cung tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tuy nhiên, PGS. TS. Nguyễn Trúc Lê và nhóm Tư vấn Chính sách, đại diện Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng phải nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các chính sách đều có hiệu quả và tác động nhanh chóng đến doanh nghiệp.

“Nhiều chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng; các thủ tục hành chính còn rườm rà, nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp”, ông Lê lý giải khi bắt đầu bài tham luận đánh giá kết quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào nhóm nhiệm vụ liên quan tới Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Cho đến thời điểm này, nhóm nghiên cứu nhận định, Chương trình hỗ trợ khôi phục nền kinh tế đang được Chính phủ triển khai rất đồng bộ và đã có sự tính toán kỹ lưỡng tránh sự chồng lấn giữa các giải pháp ở trong cùng một nhóm chính sách hay giữa các nhóm chính sách với nhau.

Các chính sách tập trung chủ yếu vào nhóm chính sách tài khóa, trong đó Chính phủ xác định chi cho đầu tư phát triển, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí và hỗ trợ 2% lãi suất là các giải pháp trọng tâm. Nhờ sự đồng bộ của các giải pháp, chương trình đã thu được một số kết quả khả quan, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, chính sách tốt nhưng điều kiện quá bất cập, doanh nghiệp khó thụ hưởng, chưa kịp thời điều chỉnh các bất cập.

Ví dụ: Việc tiếp cận nguồn vốn rẻ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% khá khó khăn do doanh nghiệp khó đáp ứng được các điều kiện cho vay. Có doanh nghiệp không được giải ngân vì không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng kiên quyết không hạ chuẩn cho vay.

Có hộ kinh doanh dịch vụ thu nhập thấp, song không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, vì lý do tỉnh đó chưa quy định mức thu nhập bao nhiêu là thấp.

Có hợp tác xã đủ điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu của Bộ Tài chính, mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, hợp đồng mua bán.

Ngoài các vướng mắc nêu trên, một nguyên nhân khác khiến khách hàng vay vốn e ngại tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, các thủ tục hành chính còn rất rườm rà, phức tạp, làm giảm hiệu quả của chính sách, đặc biệt là có quá nhiều giấy phép con liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam đã có nhiều tiến triển, tuy nhiên mức độ phức tạp còn rất lớn, dẫn đến việc các chính sách tại Việt Nam có tính ứng dụng không cao, hoặc gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.

Các điều kiện để được hưởng chính sách chưa rõ ràng, các mục tiêu chưa được cụ thể, đặc biệt nhóm giải pháp thuộc chính sách tiền tệ. Ví dụ: Để nhận một khoản tiền nhỏ hỗ trợ Covid-19, người lao động phải hoàn thiện quá nhiều hồ sơ giấy tờ phức tạp, dẫn tới họ không có động lực thực hiện việc này. Ngoài ra, các hộ kinh doanh tuy là đối tượng thực sự khó khăn và mong muốn được giảm lãi vay, lại khó tiếp cận chính sách vay hỗ trợ lãi suất 2% do điều kiện phải có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Thứ ba, các chính sách đa số được thiết kế và thực thi theo hướng bình quân hóa giữa các địa phương, ngành nghề, quy mô, mà ít tính đến mức độ ảnh hưởng và khả năng chống chịu giữa các ngành nghề cũng như các doanh nghiệp.

Ví dụ: Để đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, đối tượng thụ hưởng chính sách này cần được mở rộng. Cụ thể, chính sách nên hỗ trợ lãi suất cả đồng ngoại tệ cho những doanh nghiệp xuất khẩu. Thực tế, có những doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm ngành được hỗ trợ lãi suất nhưng họ chỉ vay bằng ngoại tệ.

Thứ tư, liều lượng chính sách còn khiêm tốn, cùng với đó là số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều, nên lợi ích từ chính sách bị dàn trải. 

Quy mô gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam đã tăng lên tương đối lớn năm 2022 (bằng 4,05% GDP dự kiến).

Tuy nhiên, tổng quy mô gói hỗ trợ tài khóa - tiền tệ của Việt Nam trong thời gian qua thấp hơn mức trung bình toàn thế giới khoảng 16% GDP, các nước mới nổi khoảng 7,5% GDP và các nước thu nhập thấp khoảng 4,28% GDP.

Lý giải về nguyên nhân, nguyên nhân đầu tiên được nhắc đến là chính sách nhà nước trong một số trường hợp đưa ra các tiêu chí phi thực tế, không sát đối với hoạt động doanh nghiệp.

Thứ hai, trong một số trường hợp, các văn bản luật khi được ban hành quá mơ hồ, thiếu hướng dẫn cụ thể, hoặc có quá nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, khiến cho nhóm ngân hàng và doanh nghiệp khó khăn trong việc hiểu ý các văn bản luật, làm các chủ thể kinh tế này không thể triển khai một cách quyết liệt, rõ ràng.

Thứ ba, các văn bản luật chưa được cập nhật thường xuyên theo thực tế phát triển kinh tế, xã hội. Nhiều văn bản luật chậm cập nhật gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng gặp khó khăn trong việc phải thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc: Tăng trưởng kinh tế - Kiềm chế làm, ổn định sản xuất, kinh doanh - Phòng chống dịch bệnh, tăng quy mô hỗ trợ - Đảm bảo an toàn tín dụng, …

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp trong nhận thức và lựa chọn gói ưu đãi phù hợp.

Từ các phân tích này, nhóm nghiên cứu cho rằng, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội đã đạt được những thành tựu không nhỏ, tuy nhiên vẫn cần có những điều chỉnh cả trong ngắn hạn và dài hạn theo 4 hướng chính sau.

Một là, các chính sách phải xây dựng trên nguyên tắc can thiệp có mục tiêu;

Hai là, không thực hiện các chính sách hỗ trợ hay can thiệp đại trà;

Ba là, các chính sách cần xác định rõ thời kỳ áp dụng để đảm bảo tính linh hoạt (nghĩa là có lộ trình khi nào áp dụng, kết thúc khi nào và kế tiếp chính sách nào);

Bốn là, ưu tiên hỗ trợ các nhóm ngành trong các lĩnh vực tạo bệ đỡ kinh tế, có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác (logistic, ngành nguyên liệu…).

Bảo Ngọc (Theo báo Đầu tư)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục