Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã ghi nhận mức tăng rất mạnh.
Nhiều chỉ tiêu tăng mạnh
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 11, cùng với kiểm soát dịch bệnh, mở cửa từng bước nền kinh tế, các chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, sinh hoạt xã hội dần được nối lại theo hướng bình thường mới, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và tiếp tục khởi sắc.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 11 tăng 0,32% so tháng 10; 11 tháng tăng 1,84% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp; tăng trưởng tín dụng đạt 9,65%. Hết tháng 11, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 100% dự toán năm, kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ chi và nguồn cho phòng, chống dịch cũng như cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
Sản xuất công nghiệp tháng 11 khởi sắc, hầu hết các ngành công nghiệp cấp I đều tăng so với tháng trước và tăng so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 tăng 5.5% so với tháng trước, 11 tháng tăng 3,6%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Năng suất lúa đạt 51,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 8 triệu tấn. Hoạt động thu hoạch, khai thác, chế biến thủy sản tiếp tục phục hồi, sản lượng thủy sản tháng 11 tăng 3,2% so cùng kỳ, 11 tháng tăng 0,5%.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 22,3%, trong đó xuất khẩu tăng 17,5%; tháng 11 là tháng thứ 3 liên tiếp xuất siêu góp phần vào kết quả 11 tháng xuất siêu 225 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 tăng 6,2% so tháng trước, trong đó nhiều ngành dịch vụ phục hồi tích cực.
|
Điểm sáng tăng trưởng sau Nghị quyết 128 |
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 11 tăng 44,6% và tăng 38% về vốn. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 15,2% so với tháng 10. 11 tháng có 146.100 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng 11 tăng 14,7% so tháng 10/2021; đạt 73,8% kế hoạch năm. Tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm 11 tháng tăng 11%; vốn thực hiện đạt 17,1 tỷ USD, cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tiếp đà phục hồi từ tháng 10, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 11 tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu tăng dịp cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng 10 và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số khá ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hoành hành trên toàn thế giới khi cùng thời điểm này năm 2020, xuất khẩu chỉ tăng ở mức 5,5%.
Bộ Công Thương nhận định: "Xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao. Đặc biệt, tại một số thị trường như EU, Hàn Quốc, các doanh nghiệp đều tận dụng rất tốt những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu".
Sự phục hồi sản xuất và kinh doanh sau thời gian giãn cách xã hội đã tạo sức bật rõ rệt cho nền kinh tế. Nếu như thời điểm cuối tháng 9, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước nhập siêu 2,13 tỷ USD thì đến nay, cán cân thương mại hàng hóa đã đảo chiều ngoạn mục khi đạt con số xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nghị quyết cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, việc đánh giá, xác định cấp độ dịch và biện pháp áp dụng ứng với từng cấp độ.
“Các quy định liên quan đến phòng, chống dịch trước đây được tạm dừng thể hiện sự nhạy bén rất cao trong điều hành của Chính phủ. Điều này bảo đảm quy định được đơn giản, áp dụng thống nhất, giảm thiểu tình trạng các địa phương từ đặt thêm quy định và tăng hiệu năng thực hiện”, ông Lạng nói.
Theo cách tiếp cận này, hoạt động lưu thông, sản xuất luôn được chú trọng thúc đẩy thực hiện tối đa theo sát giới hạn tác động bị kiểm soát của dịch bệnh, do đó, giảm thiểu thiệt hại từ sự gián đoạn lưu thông, dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các giao dịch kinh tế mở rộng và vận động liên tục cao nhất, tăng lượng giá trị sáng tạo cho nền kinh tế.
“Đây là việc chuyển tiếp phù hợp chưa có tiền lệ giữa các loại quy định, giảm chi phí điều chỉnh khác biệt quy định giữa các địa phương, và tránh lãng phí nguồn lực phát sinh trong dịch Covid-19”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Thúc đẩy khôi phục kinh tế
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi toàn bộ quan điểm phòng, chống dịch của Chính phủ, từ “không Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19," phù hợp với bối cảnh thực tế và yêu cầu phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, khi bắt tay vào phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp rất cần biết trước các chính sách cụ thể, nhất là chính sách phòng, chống dịch để xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh.Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ các điều kiện mở cửa khác nhau tùy theo các cấp độ dịch và các cấp độ dịch cũng quy định các tiêu chí để xác định.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì doanh nghiệp không thể chủ động hoàn toàn, nhưng với việc quy định các mức độ dịch, doanh nghiệp có thể đối chiếu tình hình dịch tễ tại địa phương để có kế hoạch hoạt động. Doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất cụ thể chính là cơ sở tạo sự yên tâm, tin tưởng cho khách hàng, đối tác.
“Điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128 là trong mọi tình huống, diễn biến của dịch Covid-19 đều có thể tổ chức sản xuất được, chỉ cần doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu an toàn phòng dịch. Việc ban hành một Nghị quyết với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thống nhất trên phạm vi cả nước, công khai cho người dân, doanh nghiệp cho thấy Chính phủ đã trao sự chủ động cho doanh nghiệp nên hiệu quả khôi phục kinh tế sẽ nhanh hơn", ông Nguyễn Chánh Phương chia sẻ.
(Theo vietnamnet)
Mời Quý độc giả tham gia khảo sát về đánh giá chất lượng cổng thông tin điện tử www.vasep.com.vn