(vasep.com.vn) Tại Trung Quốc, nhân khẩu học thay đổi cùng với những lo ngại về sức khỏe và thu nhập, đã dẫn tới sự sụt giảm trong cơ cấu tiêu thụ thịt lợn tại quốc gia này. Điều này được xem là sẽ có lợi cho ngành thủy sản.
Tuy nhiên, thủy sản cũng đang phải cạnh tranh với thịt bò để trở thành loại protein được lựa chọn trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc - đang phát triển nhanh với mức chi tiêu cao hơn.
Mức tiêu thụ thịt lợn bình quân ở Trung Quốc đạt đỉnh 42 kg/người vào năm 2014 - tăng từ 11,7 kg năm 1981 - nhưng con số đó đã giảm xuống dưới 40 kg do đại dịch tả lợn Châu Phi, kể cả khi giá thịt lợn đã giảm đáng kể từ cuối năm 2021.
Thịt lợn từ lâu đã được coi là protein nền tảng trong chế độ ăn của người Trung Quốc, và giá thị lợn thường rẻ hơn hải sản. Với việc giá cả là động lực chính đối với người tiêu dùng Trung Quốc, thủy sản thường bị thua thiệt. Tuy nhiên, mối tương quan giữa hai yếu tố này dường như không còn rõ ràng như trước, khi thu nhập trung bình của người Trung Quốc tăng lên, những người tiêu dùng có thêm thủy sản như một lựa chọn ăn uống lành mạnh hơn.
Dân số già của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự chuyển hướng sang thủy sản, cũng như thịt bò và thịt gà. Điều này đã cho thấy nhu cầu ngày càng tăng của những người tiêu dùng lớn tuổi và thanh niên thành thị đối với các loại protein có lợi cho sức khỏe. Trung Quốc tiêu thụ 9,98 triệu tấn thịt bò vào năm 2021, trong đó gần 1/3 được nhập khẩu. Năm ngoái, nhập khẩu thịt bò của quốc gia này đạt 2,34 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020, tăng gấp 10 lần so với năm 2016.
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc vào năm 2021 đạt 5,71 triệu tấn - bao gồm cả nguyên liệu đầu vào để chế biến gia công XK và các sản phẩm không sử dụng cho con người, chẳng hạn như bột cá - tăng 0,72% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu thủy sản của nước này đã giảm 5,62%, xuống còn 3,59 triệu tấn.
Không phải tất cả thủy sản Trung Quốc nhập khẩu đều được tiêu thụ, mà một phần đáng kể sau đó được chế biến để tái xuất khẩu. Tuy nhiên, trong số thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc, sản phẩm giá trị cao phục vụ cho tiêu dùng nội địa là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021. Việc giá thủy sản trung bình tăng hoặc giá thịt lợn giảm không ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trên.
Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng từ 1,03 triệu tấn năm 1992 lên 5,9 triệu tấn năm 2018, với giá trị tăng vọt từ 1,02 tỷ USD lên 12 tỷ USD. Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc trị giá 14,15 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ 12,7 tỷ USD vào năm 2020.
Sản lượng thủy sản của Trung Quốc sẽ lên tới 69 triệu tấn vào năm 2025, theo Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sự kém hấp dẫn của thịt lợn so với thủy sản đã khiến nhiều nhà đầu tư bán lẻ của nước này quan tâm đến dự trữ thủy sản. Họ cũng theo dõi, quan sát khi chính phủ Trung Quốc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sự tăng trưởng liên tục của hoạt động nuôi trồng thủy sản và đánh bắt xa bờ của quốc gia này.
Tuy nhiên, vẫn có cơ hội cho các nhà sản xuất thịt lợn của Trung Quốc giành lại thị phần, bằng cách chuyển hướng tập trung sang các sản phẩm có giá trị cao hơn. Ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc được củng cố, phát triển hơn nhiều so với ngành thủy sản, giúp cho nhiệm vụ chuyển hướng trở nên dễ dàng hơn. Theo ông Liu Hanyuan, ông chủ của Tập đoàn Tongwei, 10 doanh nghiệp thủy sản hàng đầu Trung Quốc (xếp hạng theo sản lượng nuôi trồng thủy sản) chỉ chiếm 2% sản lượng nuôi trồng thủy sản quốc gia, trong khi đó, 10 doanh nghiệp về thịt lợn lớn nhất của Trung Quốc chiếm 12% thị phần, còn 10 doanh nghiệp về gia cầm lớn nhất chiếm 40% thị phần.
Ông Liu cho biết, sự bất bình đẳng trong chính sách thuế của Trung Quốc đang ngăn cản ngành nuôi trồng thủy sản trong việc đạt được quy mô và hoạt động được chuẩn hóa. Việc đánh thuế đối với doanh thu bán buôn cá ngăn cản sự hợp nhất trong lĩnh vực này, gây tổn hại cho ngành thủy sản, đặc biệt là khi các nhà chế biến thịt lợn và gia cầm tích hợp không phải chịu các loại thuế tương tự.
Phương Linh