Trung Quốc: Dịch COVID-19 làm giảm giá cá bơn, cá mú nhưng tăng giá tôm

(vasep.com.vn) Theo Cui He, Chủ tịch Liên minh Tiếp thị và Chế biến Thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), XNK thủy sản của Trung Quốc giảm trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

XK thủy sản của Trung Quốc từ tháng 1-9/2020 giảm so với cùng kỳ. Trong tháng 1/2020, thời điểm đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đã XK ít hơn 100.000 tấn thủy sản so với năm 2019. XK đã chạm đáy với chỉ khoảng 140.000 tấn, sau đó tăng trở lại lên khoảng 300.000 tấn từ tháng 3-9/2020, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2019.Cá ngừ đóng hộp là loài duy nhất ghi nhận mức tăng XK từ tháng 1-9/2020.

Mặc dù trong tháng 2 và tháng 6/2020 NK thủy sản của Trung Quốc tăng so với năm 2019, nhưng giảm mạnh trong quý 3/2020, sau khi virus corona  được phát hiện trên bao bì thủy sản đông lạnh NK.

Từ tháng 1-7/2020, NK thủy sản của Trung Quốc từ Ecuador, Việt Nam và Indonesia lần lượt tăng 48%, 26% và 14%. Theo Cui: “Các nước này XK nhiều tôm và cá tra để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các gia đình Trung Quốc. Trong khi đó, lượng NK cá minh thái của Nga tăng 5% trong năm 2020, nhưng giá trị NK giảm 9%”.

Nhìn chung, cả sản xuất và tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc đều giảm nhẹ do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các tác động đối với các loài khác nhau. Cá bơn turbot và cá mú giảm giá mạnh, nhưng giá tôm tăng đáng kể.

Trung Quốc có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm đông lạnh khi doanh số bán các sản phẩm tươi sống sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, doanh số bán hàng thủy sản đông lạnh NK cũng bị ảnh hưởng. Đại dịch đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng thủy sản từ nhà hàng sang tiêu thụ tại nhà. Doanh số bán hàng trực tuyến được thúc đẩy và các sản phẩm giá trị gia tăng, thủy sản nấu sẵn và chế biến sẵn trở nên phổ biến hơn.

Khi mức sống của người dân được cải thiện, tiêu thụ thủy sản cao cấp đã tăng lên, đặc biệt với các tầng lớp trung lưu. Đồng thời, tiêu thụ các loài nuôi bậc dinh dưỡng thấp cũng giảm.

"Chúng tôi NK cá hồi từ Na Uy, Chile và Australia. Ngoài ra, gần đây ở miền nam Trung Quốc nhu cầu các sản phẩm có giá trị cao như cá mú đang tăng nhanh. Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc có khoảng 400 triệu người, do đó một sự thay đổi 10% về quy mô của đối tượng này cũng ảnh hưởng đến ngành thủy sản”, Cui cho biết. Người đứng đầu CAPPMA dự đoán nguồn cung sản phẩm thủy sản của Trung Quốc có thể được đáp ứng bằng cách ổn định sản xuất trong nước, đầu tư vào xây dựng các cơ sở sản xuất ở nước ngoài và tăng NK.

(Theo undercurrentnews.com)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục