Lạm phát làm giảm doanh thu thủy sản tươi sống tại Mỹ

(vasep.com.vn) Giá thủy sản tăng cao và người tiêu dùng lo ngại về lạm phát tại Mỹ tiếp tục tác động tiêu cực tới doanh thu thủy sản tháng 4/2022.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, doanh thu thủy sản đông lạnh tăng 2,8% và thủy sản đóng hộp tăng 9,6% so với tháng 4/2021.

Giá thủy sản tươi tăng 13,5% trong tháng 4, so với mức 12,1% của tháng 3. Mức giá trung bình của thủy sản tăng lên mức 10 USD (9,5 EUR)/đơn vị hàng hóa - tương ứng với mức tăng 20,9%, trong khi giá của các sản phẩm thủy sản có vỏ tăng 2,3%.

Doanh thu thủy sản tươi giảm 11,8% còn 493 triệu USD (468 triệu EUR) trong tháng 4.

Tuy doanh số vẫn cao hơn mức trước Covid-19, khối lượng hàng bán đang thấp hơn thời điểm 2019, đặc biệt là với các mặt hàng thủy sản có vỏ với mức giảm 11,6% so với tháng 4/2019.

Giá thủy sản được dự báo là sẽ tiếp tục tăng cao trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nhắm tới Nga, đặc biệt ảnh hưởng tới cua, cá tuyết cod và cá minh thái Alaska. Chiến sự ở Ukraine, lệnh phong tỏa tại Trung Quốc, mức lạm phát kỉ lục, thiếu nhân lực và khó khăn về chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới doanh thu thủy sản và thủy sản đông lạnh trong các tháng tới.

Bất chấp mức giá tăng cao, thủy sản đông lạnh ghi nhận mức doanh thu cao hơn 2,8% so với cùng kì năm trước. Doanh thu cá đông lạnh tăng 7,9% và tôm đông lạnh chưa qua chế biến tăng 3,2%. Tuy nhiên, các mặt hàng thủy sản đông lạnh đã qua chế biến giảm 6,2%.

Thủy sản đông lạnh vẫn ghi nhận mức doanh thu cao nhất trong số các sản phẩm thịt cung cấp protein, mặc dù có mức tăng trưởng thấp nhất - giảm 5,3% về khối lượng hàng bán.

Thủy sản đóng hộp ghi nhận mức tăng doanh số 9,6%, lên mức 223 triệu USD (212 triệu EUR) và tăng 6,5% về khối lượng.

Thủy sản đông lạnh và đóng hộp có hai lợi thế so với thủy sản tươi sống trong thời kì lạm phát tăng cao như hiện nay.

Thứ nhất là thời gian sử dụng - trong khi thủy sản tươi sống cần sử dụng hoặc làm đông lạnh trong vài ngày, thủy sản đông lạnh và đóng hộp không bị lãng phí vì sử dụng được lâu dài.

Thứ hai là giá và nhận thức về giá. Nhiều người tiêu dùng nghĩ rằng thủy sản đông lạnh rẻ hơn thủy sản tươi sống. Trong một vài trường hợp điều này là đúng, nhưng trong hầu hết trường hợp không có nhiều sự khác biệt. Tuy vậy nhận thức của người tiêu dùng mới là điều quan trọng. Quan trọng hơn, thủy sản đông lạnh và đóng hộp có mức giá đơn vị rẻ hơn, càng làm nhấn mạnh suy nghĩ rằng các mặt hàng này có mức giá hợp lý hơn.

Lạm phát đang làm ảnh hưởng tới gần như mọi mặt hàng tại siêu thị, bởi 75% người tiêu dùng được khảo sát nói rằng họ ngại phải chi tiêu khi lạm phát đạt mức kỉ lục trong 40 năm qua. 37% nói rằng họ sẽ giảm tiêu dùng thịt và thủy sản do giá tăng cao và 41% sẽ giảm mua sắm sản phẩm đến từ các thương hiệu lớn. Gần như tất cả (97%) người tiêu dùng Mỹ đang định hình lại các ưu tiên mua sắm của họ để chi trả cho các mặt hàng thiết yếu nhất: các mặt hàng tạp hóa (56%), xăng dầu (43%), chỗ ở (29%) và chăm sóc sức khỏe (18%).

Minh Trang

Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục