(vasep.com.vn) Theo các nguồn tin trong ngành thủy sản tại triển lãm Conxemar, đầu năm 2019 giá bạch tuộc giảm vì nhu cầu tiêu thụ ở Tây Ban Nha giảm. Vụ khai thác mới ở Ma rốc chưa bắt đầu cho đến tháng 1/2020, nhưng nhu cầu tiêu thụ trong dịp Giáng sinh đã khiến giá bạch tuộc tăng trở lại.
Giám đốc thương mại của một công ty Tây Ban Nha chuyên về bạch tuộc cho biết, giá bạch tuộc nguyên liệu đã tăng nhẹ, giá giao dịch đối với bạch tuộc cỡ T1 và T2 ở mức 10-11 Euro/kg.
Theo tạp chí Cuatro, trước Giáng sinh giá các loại thủy sản có nhu cầu cao tăng. Tại một chợ thủy sản ở Tây Ban Nha, giá bạch tuộc đã tăng 2-3 Euro/kg lên khoảng 16,8 Euro/kg. Dự kiến giá bạch tuộc sẽ đạt 20 Euro/kg.
Giá bạch tuộc tăng do Ma-rốc chưa bắt đầu vụ khai thác cho đến tháng 1/2020 thay vì tháng 12 như những năm trước và một số nhà cung cấp đã tiêu thụ hết sản phẩm của họ. Trong khi đó, nghề khai thác bạch tuộc Maya ở Mexico đã kết thúc vào ngày 15/12/2019 với sản lượng khai thác thấp hơn 13.000 tấn so với dự kiến. Sản lượng khai thác ở khu vực này đã giảm 34% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 25.000 tấn trong năm 2019.
Giá bạch tuộc đã đạt mức cao kỷ lục trong năm 2018 với bạch tuộc cỡ lớn tăng vượt mức 15 Euro (16,46 USD)/kg vào cuối hè năm 2018. Tuy nhiên trong năm 2019, giá bạch tuộc đã giảm dần, với bạch tuộc cỡ lớn giảm xuống dưới 10 Euro/kg. Giá bạch tuộc tiếp tục giảm trong suốt vụ khai thác gần nhất ở Ma-rốc, vụ khai thác kết thúc ngày 17/9/2019.
Sản lượng khai thác bạch tuộc
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác bạch tuộc ở Ma-rốc và Mauritania đều giảm do 2 quốc gia này đã hạn chế khai thác bạch tuộc để bảo vệ tài nguyên ở quốc gia của họ.
Tháng 7/2018, EU đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác khai thác với Ma-rốc. Thỏa thuận này có hiệu lực trong vòng 4 năm với điều khoản cho phép 138 tàu khai thác của EU khai thác ở vùng biển của Ma-rốc. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nguồn cung bạch tuộc sẽ tăng lên vì thỏa thuận này có một số hạn chế. EU cũng dự kiến sẽ ký các thỏa thuận tương tự với Mauritania và Senegal.
Thương mại
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Nhật Bản đã NK khoảng 20.500 tấn bạch tuộc, tương đương với năm 2018, nhưng giảm 27% so với năm 2017. Theo FAO, Ma-rốc- nhà cung cấp bạch tuộc chính, đã giảm các lô hàng trong năm 2018, nhưng tăng nhẹ trở lại vào năm 2019. Các nhà cung cấp bạch tuộc lớn tiếp theo là Trung Quốc và Việt Nam.
NK bạch tuộc vào Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng lượng NK lên tới 35.100 tấn, với các nhà cung cấp chính là Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan.
Dự án nuôi bạch tuộc
Sau nỗ lực 20 năm nghiên cứu và phát triển, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã thành công trong việc thuần hóa bạch tuộc trong điều kiện nuôi dưỡng, nâng cao khả năng nuôi thương phẩm loài này.
Công ty Armadora Pereira, một công ty khai thác của Tây Ban Nha sở hữu 19 tàu khai thác hoạt động ở các đại dương khác nhau, đã trình bày dự án nghiên cứu và phát triển bạch tuộc mới của mình.
Armadora Pereira chuyên khai thác bạch tuộc ở Mauritania và tiêu thụ bạch tuộc dưới các dạng sản phẩm bạch tuộc tươi, bạch tuộc đông lạnh và bạch tuộc luộc. Công ty đã bắt đầu một dự án phát triển nuôi bạch tuộc. Đầu năm 2019, công ty này đã kết thúc giai đoạn khởi động dự án.
Ruy Andrade Pereira – Cán bộ quản lý quan hệ đối ngoại và phát triển kinh doanh của công ty cho biết, nuôi bạch tuộc là một trong những thử thách lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản Tây Ban Nha nhưng đồng thời cũng là một trong những tham vọng lớn của khu vực tư nhân.
Công ty đã trưng bày hai con bạch tuộc trưởng thành đầu tiên (Carmina và Federico) mà nhóm các nhà nghiên cứu của Armadora Pereira đã phát triển trong điều kiện nuôi nhốt tại triển lãm Conxemar ở Vigo, Tây Ban Nha trong tháng 10/2019. Tập đoàn Nueva Pescanova của Tây Ban Nha cũng đạt được kết quả tương tự, khi đã ký thỏa thuận với nhóm nghiên cứu.