Thiếu nguyên liệu đang là một thực tế ngày càng trở nên phổ biến đối với nhiều ngành chế biến nông, lâm, thủy sản từ nay đến cuối năm. Cách đây vài ngày, trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định một thách thức hiện hữu của ngành trong 6 tháng cuối năm là thiếu nguyên liệu đầu vào.
Cũng theo VASEP, có tới 40 - 50% tàu khai thác hải sản đã nằm bờ, nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến giảm từ 70 - 80% so với trước. Trong khi nguồn thủy sản nuôi trồng không tăng lên, mà còn có xu hướng giảm, do chi phí thức ăn, giống cũng tăng cao.
Nếu ví nguyên liệu đầu vào là mạch máu giúp các nhà máy thủy sản vận hành, thì tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài sẽ khiến các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn.
Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi đang tất bật chuẩn bị các bước để có thể khai thác tối đa cơ hội vàng, là 1 trong 6 nhà máy vừa được hưởng mức thuế 0% khi xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Tuy nhiên, do thiếu nguyên liệu nên chế biến được 100 tấn cá mỗi ngày, chỉ đạt 50% công suất.
Tình trạng thiếu nguyên liệu càng trở nên phổ biến vào cuối năm.
"Nguồn nguyên liệu cá tra đang giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Giá thức ăn tăng nên bà con giảm lượng nuôi", bà Ngô Thị Diệu Trinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Lộc Kim Chi, cho biết.
"Năm nay, giá thức ăn quá cao, con cá giống tuổi thọ không lâu. Dồn 2 cái đó chi phí rất cao. Chi phí cao, đầu tư cao nên lãi suất cao. Bán dưới 30.000 đồng/kg thì không có hiệu quả", ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, chia sẻ.
Thời tiết năm nay không thuận nên sản lượng tôm thu hoạch giảm cũng là lý do khiến các nhà máy chế biến tôm buộc phải "liệu cơm gắp mắm", tăng giá nhập tôm nguyên liệu, nhưng cũng chỉ duy trì được công suất từ 50 - 70%.
Thùy Linh (Theo Tin tức VTV)