Xuất khẩu cá tra liệu có đối mặt với thiếu nguyên liệu những tháng cuối năm?

Những ngày giữa tháng 7/2022, tại một trong những vùng chuyên nuôi cá tra của cả nước – An Giang, cá tra được các thương lái thu mua với giá 27.000 - 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, có một nghịch lý dù giá cá tra đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước nhưng nhiều người nuôi cá cho biết vẫn bị thua lỗ do giá thức ăn tăng liên tục, chưa kể các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao khiến giá thành bị đội lên hiện lên gần 30.000 đồng/kg. Đây cũng là lý do mà nhiều người đã thu hẹp quy mô nuôi cá, dù giá cá tra đang đứng ở mức cao so với mọi năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.Dương Nghĩa Quốc – Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam – cho hay, hiện tại giá cá tra cỡ 0,8 – 1 kg/con có thể xuất khẩu đi thị trường Hoa Kỳ, EU được thì rơi vào mức 28.000 – 29.000 đồng/kg, còn với cá tra khoảng từ 1,1 – 1,3 kg/con thì giá chỉ còn 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành thấp nhất cũng phải 27.000 đồng/kg. Với mức giá cá tra hiện nay cũng làm cho một số hộ nuôi chậm thả giống. “Theo dự báo thị trường xuất khẩu vẫn tốt, nhưng với mức giá bán cá tra như hiện nay đang làm khó cho các hộ nuôi và doanh nghiệp”, ông Dương Nghĩa Quốc chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) – nhận định, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng bật trở lại trở lại sau thời gian dài đè nén bởi dịch Covid-19, giá các sản phẩm thuỷ sản cũng tăng theo xu hướng lạm phát giá trên thị trường thế giới. Lạm phát và chiến sự của Nga - Ukraine cũng thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam. Sau khi áp lệnh trừng phạt với Nga – nguồn cung cá thịt trắng hàng đầu, các nước như EU, Mỹ, Anh rơi vào tình trạng thiếu cá thịt trắng và phải tìm kiếm thêm các nguồn cung khác. Đó là lý do giúp xuất khẩu cá tra tăng 83% trong 6 tháng đầu năm....

Kết quả này là tín hiệu vui cho ngành song vẫn còn nhiều yếu tố biến động, bất ngờ đang đe dọa ngành thủy sản trong nửa cuối năm. Trong đó, doanh nghiệp sẽ phải trả lời câu hỏi liệu có đủ nguyên liệu chế biến cho các đơn hàng cuối năm?

Đối với cá tra, ông Dương Nghĩa Quốc cho rằng, việc này cũng không đáng lo ngại, bởi lẽ, phần lớn các hộ nuôi cá tra thương phẩm đều đã tham gia vào chuỗi. Trong chuỗi này, các doanh nghiệp sẽ đi từ khâu thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Với mức giá cá tra như hiện nay, doanh nghiệp cá tra có thể hòa nhưng có thể được bù lại lợi nhuận ở khâu thức ăn (doanh nghiệp tự chủ được thức ăn nên chi phí khâu này sẽ rẻ hơn).

“Việc thị trường giá cả lên xuống là việc bình thường. Quan trọng nhất là thị trường xuất khẩu ổn định. Thời điểm này có thể lợi nhuận không nhiều nhưng doanh nghiệp không lo ngại về thiếu nguyên liệu”, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.

Thiếu nguyên liệu vẫn đang là thách thức lớn nhất với xuất khẩu thủy sản nói chung và cá tra nói riêng trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, ông Võ Hùng Dũng - nguyên Giám đốc VCCI Cần Thơ – nêu quan điểm, có lẽ thiếu hụt nguồn cung tốt hơn rất nhiều so với việc dư thừa. Đây có thể là khó khăn trong ngắn hạn của doanh nghiệp nhưng cũng là lý do thôi thúc mỗi doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển chuỗi giá trị của mình một cách bền vững.

Trong báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, 6 tháng đầu năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đến hết ngày 30/5 đạt 1,21 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU tăng 89%, sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng 124,2%, sang thị trường Hoa Kỳ tăng 131% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết ngày 30/5, đã có 1.206 cơ sở nuôi được cấp mã số nhận diện, đạt 100% yêu cầu.

Chú thích ảnh

Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết, giá lương thực ở EU sẽ tăng cao, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có khả năng tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định, do đó, có thể duy trì mức thu mua cá nguyên liệu ở mức hiện tại.

Về dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022, ông Võ Hùng Dũng nhận định, con số có thể vượt mốc kim ngạch đạt được năm 2018 là trên 2,2 tỷ USD, hoặc chỉ đạt con số 2 tỷ USD. Việc này tùy thuộc vào sản lượng, việc mở rộng diện tích vùng nuôi, chứ không phải nhu cầu thị trường.

Theo các chuyên gia, giai đoạn quý III/2021, một số doanh nghiệp cá tra như Vĩnh Hoàn, IDI Corp đã có thể tích trữ được lượng hàng tồn kho, giá rẻ để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu năm nay. Trong khi đó, giá cá tra xuất khẩu tăng đáng kể, điển hình như thị trường Hoa Kỳ đã tăng từ 2,6- 2,8 USD/kg lên 3,5-3,6 USD/kg. Điều này giúp các doanh nghiệp xuất khẩu cải thiện lợi nhuận. Trong số các mặt hàng thủy sản của Việt Nam, cá tra được dự báo sẽ tỏa sáng trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dự kiến khoảng 2,5 – 2,6 tỷ USD. “6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt khoảng 1,3 tỷ USD. Khả năng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay sẽ đạt con số 2,5-2,6 tỷ USD”, ông Dương Nghĩa Quốc nhận định.

Ông Võ Hùng Dũng đánh giá, nửa đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra tăng mạnh chủ yếu do tồn kho lớn từ năm trước chứ không phải tăng sản lượng nuôi. Như vậy, sức bền của chuỗi cung ứng, sức bền của ngành hết sức quan trọng. Chính sách của Nhà nước phải làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nuôi duy trì ổn định sản xuất.

Vẫn còn một bộ phận không nhiều các hộ nuôi cá tra thương mại không tham gia chuỗi. Trong bối cảnh giá thức ăn cho cá cũng như các loại nguyên vật liệu đầu vào khác đều tăng mạnh, các chuyên gia khuyến nghị, người nuôi nên tổ chức liên kết lại thành tổ hợp tác nuôi cá tra hoặc liên kết lại thành HTX nuôi cá tra để tổ chức "mua chung, bán chung" thì sẽ rất có lợi về mặt kinh tế khi mua vật tư, nguyên liệu đầu vào và bán cá thương phẩm cho các doanh nghiệp chế biến.

Về việc này, ông Dương Nghĩa Quốc cho hay, Hiệp hội đang vận động các hộ nuôi cá tra liên kết với các doanh nghiệp rồi mới thả nuôi. Nếu chưa vào chuỗi liên kết được thì kể cả khi giá cá tra thấp hay cao cũng cần cân nhắc. Bởi lẽ, cho dù giá cá tra có cao, nhưng nếu nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp còn nhiều thì họ sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu này để tận dụng cơ hội lợi nhuận chứ không đi mua thu mua của người nuôi thương mại mà chưa có liên kết.

Thùy Linh (Theo Báo Công Thương)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục