Nhu cầu nhập khẩu của thế giới tăng, xuất khẩu cá tra khởi sắc, giá cá tra tăng... nhưng doanh nghiệp đang rất khó khăn trong chế biến, sản xuất.
Thị trường xuất khẩu cá tra khởi sắc trở lại
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hy vọng cho các doanh nghiệp chế biến cá tra ở ĐBSCL những tháng cuối năm, đồng thời cũng là cơ hội để người nuôi thả cá tra ở ĐBSCL vực lại sản xuất sau một thời gian khá dài thua lỗ do giá cá tra bị giảm sâu.
Cơ hội xuất khẩu cá tra càng tăng hơn khi từ cuối tháng 6.2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1.8.2018–31.7.2019. Kết quả là 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này được hưởng thuế chống bán phá giá ở mức 0%.
Về nguồn nguyên liệu, theo bà Võ Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh An Giang cho biết, dự tính địa phương thu hoạch cá tra từ nay đến cuối năm khoảng 157.000 tấn, đảm bảo cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu của các nhà máy.
Tại Cần Thơ, diện tích thả nuôi cá tra hiện đạt trên 548ha, đạt 74% so với kế hoạch cả năm là 736ha.
Cần "cởi trói" để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất
Đại diện nhiều doanh nghiệp nêu thực trạng: Giá xuất khẩu cá tra đang tốt hơn bình thường, nhưng doanh nghiệp không thể mở rộng chế biến bởi không thể chuyển cá từ vùng nguyên liệu sang vùng chế biến bởi các quy định về thực hiện giãn cách đang rất rối rắm, thậm chí mỗi tỉnh một kiểu.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre, nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng chế biến từ đầu tháng 8.2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi thả cá gặp khó khăn. Có doanh nghiệp chỉ sắp xếp được để sản xuất 3T tháng đầu tiên, tinh thần của công nhân không vững xin nghỉ khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tỉ lệ doanh nghiệp chế biến thủy sản được tiêm vaccine rất thấp.
Nhiều nhà máy cố gắng thực hiện 3T cuối cùng buộc phải ngưng hoạt động do phát sinh chi phí quá lớn.
"Chỉ riêng tiền test COVID-19 cho đội ngũ lái xe ra vào nhà máy, mỗi tháng chúng tôi phát sinh thêm 1 tỉ đồng" - Phó Tổng Giám đốc Công ty CPV - ông Hoàng Xuân Thọ, cho biết.
"Vua tôm" Minh Phú - ông Lê Văn Quang - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đề nghị: "Cần cho phép áp dụng chính sách “một cung đường nhiều điểm đến” để duy trì sản xuất”.
Tại nhiều tỉnh ĐBSCL, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng nhà máy chế biến cũng ngưng hoặc tạm ngưng mua nguyên liệu vì không thể vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác.
"Chúng tôi không thể bắt cá ở vùng nuôi bên An Giang mà chỉ bắt ở tỉnh Đồng Tháp. Đầu phía An Giang cũng không thể vận chuyển cá sang Đồng Tháp để phục vụ sản xuất” - đại diện Công ty IDI chia sẻ.
Theo đề xuất của nhiều doanh nghiệp, hiện nay, giá xuất khẩu đang tốt hơn bình thường, cần tranh thủ cơ hội và cần có chính sách để giải tỏa. Trong đó, đẩy mạnh tiêm vaccine cho cả công nhân ở bên ngoài chưa 3T.
"Hiện nay, ngân hàng hỗ trợ lãi suất 0,5% cho những món được giải ngân mới trong tháng 7 và 8.2021 là không đáng kể, chỉ là “hỗ trợ cho có lệ”. Đề nghị Chính phủ có giải pháp hỗ trợ để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, hiện 70% doanh nghiệp thủy sản đã ngừng hoạt động, 30% còn lại chỉ hoạt động cầm chừng với công suất chỉ 30-40%”- đại diện IDI phản ánh.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhấn mạnh: Ưu tiên hàng đầu là công nhân phải được tiêm vaccine COVID-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ về tín dụng, miễn giảm về thuế, phí… để doanh nghiệp có thể vượt qua giai đoạn dịch bệnh rất khó khăn hiện nay.
(Theo báo Lao Động)