Thách thức và kiến nghị ở 2 tỉnh điển hình ngành cá tra

Tỉnh Đồng Tháp và An Giang là điển hình của ngành cá tra nước ta, nuôi diện tích lớn, tích cực tổ chức liên kết chuỗi sản phẩm nhưng qua năm 2023 đang đối diện nhiều thách thức, vừa xác định nhiệm vụ trọng tâm cho năm mới và kiến nghị cụ thể với Bộ NN&PTNT.

Ở tỉnh Đồng Tháp nuôi diện tích lớn nhất 

Đồng Tháp đã chọn cá tra là đối tượng nuôi chủ lực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2023, giá trị sản xuất ngành cá tra đạt 8.557 tỷ đồng, chiếm 63,4% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi 2.620 ha, sản lượng ước đạt 525.000 tấn, tăng 3,9% so năm 2022; trong đó, 62% diện tích và sản lượng thuộc doanh nghiệp, còn các hộ nuôi hầu hết có liên kết với doanh nghiệp (hợp đồng tiêu thụ hoặc nuôi gia công).  

Tỉnh có 94 cơ sở sản xuất giống và 1.004 cơ sở ương dưỡng giống cá tra với diện tích trên 1.100 ha. Năm 2023, sản xuất 17.500 triệu con cá tra bột, tăng 3.700 triệu con so với năm 2022; và 1.155 triệu con cá tra giống, giảm 200 triệu con.  

Đến nay đã cấp mã số nhận diện cho 378 cơ sở nuôi với diện tích 1.630 ha (của doanh nghiệp 662 ha, hộ cá thể 968 ha); cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 82 cơ sở nuôi 631 ha. Có 38 cơ sở nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP với diện tích 242 ha. 

Thế nhưng, theo Sở NN&PTNTT, năm 2023 ngành cá tra tỉnh Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn. Trước hết, giá bán cá thấp nên người nuôi ít có lời. Dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, nhất là ương nuôi cá tra từ bột lên giống, làm giảm chất lượng cá giống, gây ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng cá tra thương phẩm. Giá cá thấp nhưng vẫn khó bán vì xuất khẩu giảm; trong lúc nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng người nuôi và doanh nghiệp khó tiếp cận.  

Tỉnh An Giang phát triển liên kết 

An Giang có diện tích nuôi cá tra lớn thứ hai cả nước. Số liệu của Sở NN&PTNT, năm 2023 nuôi 1.224 ha (có 382 ha cung cấp nguyên liệu chế biến xuất sang Hoa Kỳ), sản lượng 575.000 tấn, tăng 5,3% so năm 2022. Diện tích cá giống thu hoạch trên diện tích 1.486 ha, khoảng 1.800 triệu con, tăng 5,9% năm 2022. 

Thu hoạch cá tra

Tỉnh có 15 doanh nghiệp với 18 nhà máy chế biến cá tra, các sản phẩm chủ yếu là fillet, cắt khúc, nguyên con, xẻ bướm. Liên kết chuỗi cá tra thương phẩm hiện nay đã đạt 1.072 ha, chiếm 87,6% diện tích nuôi toàn tỉnh (của doanh nghiệp 778 ha, còn 9 chuỗi liên kết với 99 cơ sở nuôi diện tích 294 ha). Hình thức liên kết phong phú, đa dạng.  

 Ở An Giang có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra, khả năng cho 18 tỷ bột/năm với số cá bố mẹ là 92.946 con (đang sinh sản 32.000 con, còn lại là hậu bị). Nổi bật ở tỉnh có Đề án Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp vùng ĐBSCL, đã thu hút 4 doanh nghiệp đầu tư vùng ương nuôi tập trung công nghệ cao với 442,3 ha. Hiện đã có 3 doanh nghiệp sản xuất, ương dưỡng giống là Công ty CP cá tra Việt Úc, Công ty TNHH Sản xuất giống Cá tra Vĩnh Hoàn ứng dụng công nghệ sinh học phân tử vào nghiên cứu sản xuất giống (được chứng nhận là doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao); Công ty TNHH Nam Việt Bình Phú được chứng nhận là vùng Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao, với tổng diện tích 233 ha, năng lực cung cấp 500 triệu con giống chất lượng cao. 

Thế nhưng, Sở NN&PTNT cho hay: Năm 2023 có nhiều thách thức, đến các tháng cuối năm 2023 vẫn rất khó khăn. Việc sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng còn bộc lộ nhiều rủi ro, chỉ có rất ít chuỗi giá trị hoàn chỉnh được vận hành có hiệu quả. “Hiện tại giá cá tra đang bán tại ao nuôi 26.000 đồng/kg, trong khi giá thành 27.000 – 28.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 2.000 – 3.000 đồng/kg. Với tình hình này kéo dài sẽ dẫn đến treo ao, tạm ngưng sản xuất”, báo cáo của Sở NN&PTNT. 

Nhiệm vụ trọng tâm và kiến nghị  

Trước những khó khăn trên, để đảm bảo ngành hàng cá tra phát triển, tỉnh Đồng Tháp đặt nhiệm vụ trọng tâm là tập trung quy hoạch phương án phát triển nuôi cá tra sát với thực tế, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành hàng cá tra, nâng cao sản phẩm giá trị gia tăng và tăng cường chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. 

Chế biến cá tra

Đồng Tháp kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ giống chất lượng cao: “Từ năm 2016 đến nay, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II giao cho tỉnh 32.010 con cá tra hậu bị đã qua chọn lọc di truyền. Đàn cá này tham gia sinh sản từ 2018, sức sinh sản bình quân 9,9 tỷ bột năm, chiếm 56,6% sản lượng cá tra bột của tỉnh. Số cá này đã già, sức sinh sản kém dần. Đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II chuyển giao đàn cá tra hậu bị chọn giống mang tính trạng kháng bệnh nguy hiểm như gan, thận mủ cho địa phương”.  

Sở NN&PTNT tỉnh An Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện các giải pháp đột phá về phát triển thị trường - thu hút đầu tư và giải pháp về tổ chức lại sản xuất theo kinh tế tập thể. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống cá tra chất lượng, sạch bệnh; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết, thực hiện truy xuất nguồn gốc phục vụ tốt cho yêu cầu xuất khẩu với các tiêu chuẩn GlobalGAP, ASC, BAP trong nuôi cá tra thương phẩm.  

An Giang kiến nghị Bộ NN&PTNT: “Tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đối với các vùng nuôi của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chứng nhận nuôi an toàn theo các tiêu chuẩn chất lượng, gắn kết với các hộ nuôi theo hình thức chuỗi liên kết. Nghiên cứu, điều tra, dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra nội địa và xuất khẩu. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam, đây là giải pháp quan trọng để khẳng định vị thế sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới”. 

Theo  tepbac.com

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục