Nếu Mỹ tăng hạn ngạch khai thác cá minh thái năm 2020 ngư dân sẽ khó khăn

(vasep.com.vn) Hội đồng Quản lý nghề cá Bắc Thái Bình Dương (NPFMC) của Mỹ, tại cuộc họp của tổ chức này, cho biết nước này sẽ gặp khó theo kịp Nga khi đưa ra mức tổng sản lượng khai thác cho phép (TAC) cá minh thái trong vụ khai thác năm 2020, trong bối cảnh tình hình khai thác trong vụ B năm 2019 gặp nhiều khó khăn.

Alexey Buglak, Chủ tịch Hiệp hội cá minh thái Nga cho biết, TAC cá minh thái của Nga năm 2020 ở mức 1,833 triệu tấn, tăng 1,8%. Tại Diễn đàn Groundfish 2019, sản lượng khai thác của Mỹ năm 2020 được dự báo ở mức 1,528 triệu tấn, trong khi đó của Nga là 1,7 triệu tấn.

Nghề khai thác cá minh thái tại biển Okhotsk của Nga – nơi được chứng nhận bởi Hội đồng quản lý hàng hải (MSC), có TAC ở mức 1,064 triệu tấn cho năm 2020, tăng dưới 100.000 tấn. Trong khi đó, mức TAC đưa ra cho cá minh thái tại cuộc họp của NPFCM (diễn ra từ ngày 2-11/12/2019) là chưa chắc chắn.

Mặc dù sinh khối cá minh thái của Mỹ đang giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, việc tăng TAC từ mức TAC 1,397 triệu tấn năm 2019 vẫn có thể chấp nhận, tức ở dưới mức 2 triệu tấn cho tất cả các loài ở biển Bering. Tuy nhiên, theo Jim Ianelli, một nhà khoa học kỳ cựu về cá minh thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), mức TAC cao hơn thậm chí ở mức ngang bằng có thể dẫn đến việc gặp khó khăn trong khai thác.

Theo báo cáo đánh giá hải sản và đánh giá trữ lượng (SAFE) trong tháng 11/2019 đối với trữ lượng cá minh thái ở vùng biển phía Đông biển Bering của Ianelli và các nhà khoa học khác, việc khai thác cá minh thái theo TAC trong vụ B gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo, ước tính sản lượng khai thác trong năm 2019 đạt 1,397 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018, mặc dù hạn ngạch trong năm 2019 tăng.

Báo cáo SAFE sẽ được trình bày cho Ủy ban Khoa học và Thống kê (SSC) của NPFMC và được sử dụng trong khuyến nghị TAC của SSC.

Vụ khai thác hè thu năm 2019 có sự khác biệt so với những năm gần đây với hoạt động khai thác bao phủ rộng hơn. Vụ khai thác B trong năm 2019 cho thấy, khai thác rải rác và có tỷ lệ khai thác tương đối thấp so với những năm gần đây. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận tính toán về sự phân tán các đội tàu (về khoảng cách và không gian hoạt động của các đội tàu) đã được phát triển và cho thấy rằng, trong khi vụ A đội tàu tập trung khai thác nhiều nhất (kể từ năm 2000) thì vụ B hoạt động khai thác lại tản mạn rõ rệt nhất. Cá minh thái đã phân bố rộng hơn so với bình thường. Các nhà khoa học ghi nhận điều kiện khá ấm áp ở đáy đại dương và thiếu những vực lạnh có thể là những nguyên nhân. Việc cá phân bố không tập trung khiến việc khai thác trở nên khó khăn hơn.

Báo cáo SAFE cho thấy sinh khối cá minh thái giảm khiến sản lượng khai thác sinh học cho phép (ABC) giảm. Mức giảm trong báo cáo SAFE năm 2019 đối với cá minh thái biển Bering ít hơn so với năm 2018, nhưng được dự báo sẽ tiếp tục giảm.

Dự báo sinh khối cá minh thái (>3 năm tuổi) trong năm 2020 đạt 8.580.000 tấn, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, mức này tốt hơn so với mức sinh khối dự báo được đưa ra trong báo cáo SAFE 2018, với 8.156.000 tấn cho năm 2020. Năm 2021, báo cáo dự báo mức sinh khối đạt 7.990.000 tấn.

Sinh khối năm 2020 đối với ABC là 2.045.000 tấn, giảm 5%, nhưng tốt hơn so với mức dự báo 1.792.000 tấn được đưa ra trong báo cáo SAFE năm 2018. Báo cáo cũng đưa ra ABC cho năm 2021 là 1.716.000 tấn.

Sinh khối cá minh thái Vịnh Alaska giảm

Theo báo cáo của SAFE tại Vịnh Alaska, sinh khối cá minh thái dự báo sẽ giảm trở lại vào năm 2020, nhưng được thiết lập sẽ tăng vào năm 2021.

TAC cá minh thái ở khu vực vịnh Alaska đã giảm trong vài năm qua. Năm 2016, TAC đạt mức 254.310 tấn, nhưng năm 2019 con số này giảm xuống mức 141.227 tấn.

Năm 2020, sinh khối cá minh thái (> 3 năm tuổi) dự báo đạt 1.007.850 tấn, giảm so với 1.126.750 tấn trong năm 2019. Tuy nhiên, năm 2021, sinh khối được dự báo sẽ tăng trở lại đạt 1.270.080 tấn.

Ở quần đảo Aleutian, nơi có nghề khai thác quy mô nhỏ, dự báo sinh khối và ABC sẽ ổn định trong năm 2020, nhưng sẽ tăng trong năm 2021.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục