Dư âm Vietfish
Nội dung này đã được ghi nhận tích cực nhiều lần ngay trong và sau Vietfish. Tôi thấy những suy nghĩ nào trùng hợp sẽ không ghi lại, tránh nhàm chán.
Trước tiên là sự nỗ lực hết mình của Ban Tổ chức nhằm tạo điều kiện để người dự, nhất là doanh nhân trong ngành nhận được nhiều thông tin thời sự bổ ích, kịp thời hỗ trợ cho sách lược hoạt động của mình. Về đơn vị tham gia, sảnh trong không đủ chỗ, nhiều gian hàng đã tràn ra sảnh ngoài. Về đa dạng, sự xuất hiện của gian hàng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tỉnh Cà Mau, nơi tập hợp nhiều DN nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thủy sản với những sản phẩm OCOP hết sức phong phú về mẫu mã và sự tự tin về chất lượng cũng như sự bắt mắt về bao bì đóng gói.
Tôi đã dừng chân ở đây khá lâu, tìm hiểu thêm về các mặt hàng vừa nâng cao hiểu biết tình hình kết hợp cơ hội tìm những món quà tết phù hợp cho người lao động DN mình. Các bạn ở đây hết sức nhiệt tình và tôi đã nhận quà tặng khá phong phú từ các DN nhỏ này, tất cả từ con tôm mà ra. Tôi đã la cà rất nhiều lần qua các gian hàng để tìm thấy thế hệ kế thừa như năm trước tôi đã có lời khen, lúc đó nhiều gian hàng thế hệ trẻ đã đứng ra đảm nhận thay ba mẹ mình. Nhưng nay lại gặp các “bạn già” khá nhiều. Có lẽ lúc này đầy khó khăn, “lão tướng” phải ra trận cùng tướng trẻ. Cũng là lẽ thường nhưng cũng nói lên sự hết mình của thế hệ DN thủy sản lớn tuổi với ngành nghề đã gắn bó quá trình dài. Tôi đã gặp nhiều đồng nghiệp trao đổi về tình hình con tôm và cả con cá tra, lĩnh vực cá tra tôi cũng không ít hiểu biết vì có giai đoạn tôi có dự tính tham gia vào.
Khúc quanh con tôm
Kết quả tiêu thụ tháng 8 đã cho thấy tỉ lệ sụt giảm so với cùng kỳ thu hẹp dần qua các tháng. Với tình hình này, có nhiều dự đoán, thành quả năm nay xoay quanh con số 85-90% so với năm ngoái, đáng chú ý đến hết tháng 8 con số này chỉ đạt khoảng 75%. Theo tôi, nhận định này là phù hợp, khó lòng tốt hơn. Bởi theo chu kỳ, lúc này bước vào cao điểm giao hàng, nhưng đơn hàng tuy có tăng nhưng không tăng mạnh và nhất là giá cả chưa cải thiện. Nguyên nhân, tuy đã vào lúc thấp điểm cung ứng tôm nguyên liệu nhưng kho hàng các nước, nhất là Ecuador vẫn còn tốt.
Mặt khác, tình hình lạm phát chưa có dấu hiệu trở lại bình thường, thậm chí đồng yên đang ở mức thấp kỷ lục (148 yên/USD) trong khi Nhật Bản là thị trường trọng điểm lúc này. Đó cũng là lý do vì sao lúc này tôm nuôi của chúng ta giảm lượng mạnh, nhưng không có tình trạng thiếu nguyên liệu ở các DN chế biến, bởi nhu cầu không cao và còn nguyên liệu dự trữ trong kho.
Đó là khó khăn ngành tôm ta đang vướng và chưa rõ thời gian thoát ra, nhưng một khúc quanh mới đầy hiểm trở vừa xuất hiện. Hiện nay tôm nuôi đang vất vả với bệnh vi bào tử trùng và phân trắng khiến tôm chậm lớn và tỉ lệ thu hồi giảm, nay thêm bệnh “nặng” hơn. Sự xuất hiện của một biến chủng từ vi khuẩn gây tôm bị hoại tử gan tụy, chết sớm hàng loạt (AHPND) có độc lực mạnh hơn cả ngàn lần khiến tôm mới 6-8 ngày tuổi có thể bị cảm bệnh và dĩ nhiên cũng chết sớm. Tên bệnh này là hậu ấu trùng trong suốt (translucent post-larvae disease-TPD), được phát hiện từ Trung Quốc 3-4 năm trước và nó đã có mặt ở vùng trọng điểm cung ứng tôm giống của chúng ta.
Tôi có trao đổi với bên Hiệp hội Tôm giống và lãnh đạo Hiệp hội cũng đang rất âu lo chuyện này. Ngành tôm nuôi chúng ta quá nhiều thách thức và thách thức này coi như là vật cản lớn nhất. Cái cần nói thêm là cơ quan chức năng vào cuộc còn chậm quá.
Khúc quanh cá tra
So với ngành tôm, ngành cá vướng khó còn nhiều hơn khi mức tiêu thụ so với cùng kỳ chỉ khoảng 2/3 trong 8 tháng đầu năm nay. Tôi đã từng trao đổi với các doanh nhân cá. Cá bố mẹ thoái hóa khiến tỉ lệ cá bột, tỉ lệ thu hồi nuôi thấp quá nhưng hệ số thức ăn có xu thế cao vì thời gian nuôi dài hơn do tốc độ cá phát triển không như trước đây. Đây là một nút thắt cổ chai, các DN cá phản ánh thời gian dài, cần chiến lược dài hơi từ cơ quan chức năng để hỗ trợ ngành cá vượt qua khúc quanh này, vươn tầm, phát huy thế mạnh thủy sản nước mình.
Tôi cũng nghe nhiều lần các câu chuyện cạnh tranh đầy chiêu trò trong lĩnh vực cá. Thật ra, bản chất thương trường là chiến trường nên sự cạnh tranh gay gắt là lẽ tự nhiên, khó tránh. Cũng có câu… đi xa nên đi cùng nhau, nói lên sự cần thiết có sự quan tâm, chia sẻ giữa các DN để cả ngành cùng tồn tại, tạo nên sức mạnh mềm cho ngành nhằm tăng sức cạnh tranh của ngành trên thương trường thế giới và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chung. Cái nhìn thông thoáng này chắc cần sự cổ vũ của cơ quan chức năng như xây dựng nền tảng và sự hô hào của giới truyền thông!
Đầu tháng 9, một khúc quanh đi lên sáng sủa xuất hiện ở ngành cá. Đợt xem xét hành chính lần thứ 19, mức thuế chống bán phá giá sơ bộ cá tra cho hai bị đơn bắt buộc là 0% (Vĩnh Hoàn) và 0,14 USD/kg (Caseamex). Một số DN là bị đơn tự nguyện theo mức thuế 0,14 USD/kg. Như vậy, đầu mối DN bán cá vào Hoa Kỳ tăng lên và chi phí có phần nhẹ thở hơn so với lúc trước. Điểm tích cực, rất đáng khen ở đây, là hai DN bị đơn bắt buộc đã chuẩn bị hồ sơ sổ sách rất tốt để nỗ lực vượt qua khó khăn đang diễn ra.
Điểm còn phân vân là còn DN chưa tự tin, vẫn còn chấp nhận thương lượng đình chỉ vụ kiện hàng năm để hưởng mức thuế thấp, nhưng chi phí bên lề là con số không nhỏ. Hiện nay, DN bắt buộc Caseamex còn thời gian, cơ hội bổ sung hồ sơ, chứng lý không bán phá giá. Nếu thuế Caseamex xuống mức 0%, tất cả DN tự nguyện cùng về mức thuế 0%, lúc đó khúc quanh đi lên này càng sáng sủa. Các DN tôm Việt bán vào Mỹ đang trong hoàn cảnh này, thuế 0% cho tất cả DN tham gia.
Một điểm cũng đáng chú ý là trong văn bản ký kết quan hệ chiến lược toàn diện Việt Mỹ vừa ký hôm 10/9, có ghi phía Mỹ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho nước ta. Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện (sunset review) chống bán phá giá con tôm và cá tra của chúng ta sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn.
Tóm lại, chu kỳ hoạt động từng lĩnh vực, cơ bản có hình sin, nhưng tốt nhất xu thế là hình sin đi lên, và trong chừng mực có thể đi xuống tạm thời. Chúng ta có lòng tin, khúc quanh khó khăn con tôm con cá đang vướng chỉ là tạm thời, có hạn. Tuy nhiên, lúc nào vượt qua, dù bị chi phối không nhỏ từ môi trường bên ngoài nhưng sự chủ động của các doanh nhân thủy sản sẽ tạo yếu tố tích cực không nhỏ, sớm xoay chuyển tình hình. Chúng ta có lòng tin vào bản lĩnh giới doanh nhân thủy sản, đã từng vượt qua nhiều thách thức còn lớn hơn hôm nay.
TS. Hồ Quốc Lực - Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX VN