Thủy sản tăng tốc xuất khẩu cuối năm

11 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đạt 8 tỉ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhưng tích cực nhất là xuất khẩu hai tháng qua liên tục tăng trưởng cao khi các biện pháp giãn cách được tháo gỡ.

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu nhập khẩu thủy sản dịp cuối năm ở các nước vẫn rất lớn. 

Tăng ca mới kịp đáp ứng đơn hàng

Những ngày cuối năm 2021, nhiều công ty chế biến thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long đang dốc sức sản xuất, công nhân tăng ca để đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. 

Ông Hồ Quốc Lực, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), cho biết để phục vụ thị trường cuối năm, công ty đã yêu cầu tăng ca, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu 2 tháng cuối năm đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 32 triệu USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 210 triệu USD, tăng hơn 12% so với năm rồi. 

Theo ông Võ Văn Phục - tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản sạch Việt Nam (Sóc Trăng) - tuy phải đương đầu với nhiều khó khăn như phòng ngừa dịch bệnh, chi phí container tăng… nhưng nhìn chung kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá. 

Hiện công ty của ông đang tăng ca, chuẩn bị đủ sản phẩm, sản lượng để xuất cho đối tác đúng cam kết, phục vụ thị trường Giáng sinh và Tết dương lịch. 

Trong khi đó tại An Giang, ông Đỗ Lập Nghiệp - phó tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt - cho biết hiện Nam Việt còn trên 20.000 tấn sản phẩm cá tra các loại cần giao cho 4 thị trường lớn là châu Âu, châu Á, châu Mỹ và Trung Đông. 

Tình hình xuất khẩu hiện đang thuận lợi cho doanh nghiệp rất lớn khi nhu cầu của các nước đang tăng. Tuy nhiên, vài ngày gần đây tại các vùng nuôi hay một số công ty con của Nam Việt vẫn có ca nhiễm COVID-19 khiến đơn vị lo lắng, giảm số lượng lao động rất nhiều nên không cung ứng hàng hóa theo nhu cầu đối tác kịp thời. 

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ước tính cả tháng 11 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 875 triệu USD, tăng 18%. Theo đó, tổng xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2021 đạt gần 8 tỉ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Sau nghị quyết 128, các địa phương đã thích ứng với việc chống dịch linh hoạt và hiệu quả, theo đó việc sản xuất thủy sản nói chung và sản xuất chế biến tôm nói riêng đã dần hồi phục, nhất là vào thời điểm cuối năm, nhu cầu từ các thị trường đều tăng, giá nhập khẩu cũng có xu hướng tăng.

Trong đó, xuất khẩu tôm đến hết tháng 11 đạt trên 3,5 tỉ USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra cũng đã có tín hiệu khả quan với mức tăng 23% trong tháng 11, đạt khoảng 178 triệu USD. Lũy kế xuất khẩu cá tra đến cuối tháng 11 đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đang hồi phục mạnh với mức tăng trưởng lần lượt là 48% và 37% trong tháng 11. Tính đến cuối tháng 11-2021, xuất khẩu cá ngừ đạt 670 triệu USD, tăng 13%; xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 7%, đạt 543 triệu USD.

Ảnh hưởng dịch, nhưng thị trường vẫn rất lớn

Theo VASEP, dù tình hình dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến công suất và hiệu quả sản xuất, nhưng trong tình hình mới, các doanh nghiệp đều nỗ lực vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất, tận dụng cơ hội nhu cầu thị trường đang gia tăng. Do vậy, xuất khẩu thủy sản trong tháng cuối năm sẽ tiếp đà hồi phục.

Theo ông Hồ Quốc Lực, do đủ vắc xin tiêm ngừa cho người dân nên các nước nhập khẩu lớn sớm mở cửa, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng đáng kể ở mảng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, siêu thị… 

“Diễn biến COVID-19 trên thế giới phức tạp, nguồn cung tôm một số nước truyền thống bị ảnh hưởng nặng, trong khi nhu cầu tăng nên đây là cơ hội làm ăn của doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục khẳng định vị thế của tôm Việt trên thị trường thế giới” - ông Lực chia sẻ.

Ông Trần Văn Diệu - giám đốc Công ty thủy sản Thái Minh Long (Bạc Liêu) - cho biết từ tháng 10 đến tháng 12 là thời gian cao điểm nhất trong năm. Doanh nghiệp thủy sản phải đảm bảo sản xuất - giao hàng đúng tiến độ bằng mọi giá để khách hàng bán cho mùa lễ hội như Noel, Tết dương lịch, lễ Tạ ơn, Tết Nguyên đán… 

Nhưng từ tháng 10 đến nay, doanh nghiệp thủy sản gặp rất nhiều khó khăn cả thị trường đầu vào lẫn đầu ra như nguồn tôm nuôi giảm sút đáng kể do tâm lý e ngại của người nông dân; việc đi lại, tổ chức thu mua, vận chuyển cũng vấp phải nhiều trở ngại, phát sinh thêm nhiều công đoạn nên chi phí cũng tăng theo. 

“Chúng tôi chấp nhận hy sinh 30% năng suất để đảm bảo an toàn cho người lao động đang làm việc. Chấp nhận tăng thêm 40% chi phí nhân công để tuyển dụng thêm lao động đủ điều kiện để bù đắp năng suất. Bằng mọi giá, mọi giải pháp, phải duy trì sản xuất để đảm bảo tiến độ giao hàng. Trong lúc khó khăn, đây là cơ hội tạo uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp” - ông Diệu chia sẻ. 

(Theo báo Tuổi trẻ)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục
  • bc_tom
  • Báo cáo ngành tôm