Thiếu thức ăn cho nuôi thủy sản trên biển, Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn từ nước ngoài

Việt Nam đã có đề tài nghiên cứu về thức ăn nuôi biển nhưng chủ yếu cho cá biển chứ chưa có thức ăn dành cho những vật nuôi khác. Do thiếu thức ăn riêng phục vụ nuôi biển, hàng năm nước ta phải nhập thêm từ 180.000 - 200.000 tấn thức ăn thuỷ sản từ thị trường Đài Loan, Thái Lan...

Thiếu thức ăn cho nuôi hải sản trên biển

Thông tin trên được đưa ra tại buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức, do Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức tại Hà Nội mới đây. 

Chia sẻ thông tin tại toạ đàm, ông Đỗ Văn Kiểm - Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển Công ty TNHH De Heus Việt Nam cho biết, De Heus đã tham gia vào thị trường thức ăn nuôi biển từ vài năm nay. Thực tế cho thấy, lĩnh vực nuôi biển đang gặp phải nhiều hạn chế, thách thức.

Thứ nhất là về nghiên cứu thức ăn phục vụ nuôi biển. Mãi tới năm 2010, thức ăn công nghiệp phục vụ nuôi biển mới được các cơ quan trong nước bắt tay vào nghiên cứu và chủ yếu nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá biển, chưa có thức ăn dành cho những vật nuôi khác. Theo đó, thức ăn công nghiệp cho cá biển đang tập trung 3 loại cá chính gồm: cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song (còn gọi là cá mú).

Thứ 2 là việc ứng dụng công nghệ đang thiếu và yếu. Hiện chỉ có một số doanh nghiệp áp dụng được công nghệ vào kiểm soát thức ăn trong nuôi biển, nhưng cũng chưa thực sự phát triển rộng rãi.

Thiếu thức ăn cho nuôi hải sản trên biển, Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn từ nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Kiểm - Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển Công ty TNHH De Heus Việt Nam chia sẻ một số khó khăn, thách thức trong nghiên cứu thức ăn phục vụ nuôi biển. Ảnh: Viết Niệm

Thứ 3 là kiểm soát nguyên liệu để sản xuất thức ăn cá biển. Ví dụ như tại De Heus, hiện nay nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn cá biển phải nhập khẩu 100% nhưng các loại vật nuôi khác thì phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong nước, trong đó phần lớn là cá tạp. 

"Tuy nhiên De Heus cũng đã không ít lần phải trả lại hàng do có chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Do đó, chúng tôi đánh giá việc kiểm soát nguồn nguyên liệu thức ăn có chất lượng cũng đang là hạn chế khá lớn trong ngành sản xuất thức ăn nuôi biển" - ông Kiểm nêu thực trạng. 

Tiếp đó, theo ông Kiểm khó khăn còn đến từ giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh. Thời gian gần đây giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, trong khi giá bán sản phẩm không tăng. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến giá thức ăn trong nuôi biển nói riêng.

Cuối cùng là sự hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế trong việc tạo cơ chế phù hợp để phát triển ngành thức ăn chăn nuôi dành riêng cho nuôi biển.

Thiếu thức ăn cho nuôi hải sản trên biển, Việt Nam phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn từ nước ngoài - Ảnh 2.

Cá chim vây vàng tại Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) được nuôi quy mô công nghiệp, sử dụng thức ăn chuyên biệt dành cho cá biển của Công ty TNHH De Heus.

Từ những hạn chế trên, ông Đỗ Văn Kiểm cho rằng cần phải có giải pháp phù hợp cho từng vấn đề.

Thứ nhất về vấn đề nghiên cứu, bản thân De Heus Việt Nam tuy mới tham gia thị trường thức ăn cá biển 6 năm nay nhưng đã có nhiều hợp tác với các Viện, trường đại học cũng như các doanh nghiệp khác để nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm thức ăn chất lượng, phù hợp với điều kiện vùng nuôi ở Việt Nam.

Về mặt công nghệ, hiện tại do những nhiều nguyên nhân khác nhau mà chúng ta chưa thể áp dụng công nghệ vào nuôi biển tuy nhiên trong tương lai chúng ta có thể hy vọng vào sự thay đổi, đặc biệt khi đưa loại lồng tròn vào nuôi biển.

Về vấn đề kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, hiện tại các nhà máy của De Heus đều đáp ứng được tiêu chuẩn trong sản xuất thức ăn cho cá biển. 

Và để kiểm soát tốt hơn, cần áp dụng thống nhất một loại quy chuẩn phù hợp với yêu cầu quốc tế, chứ không nên chỉ áp dụng theo quy chuẩn của Việt Nam.

Về vấn đề bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, thời gian qua De Heus Việt Nam kết hợp với các ngân hàng để có các giải pháp chia sẻ với khác hàng mua thức ăn, ví dụ như thư bảo lãnh ngân hàng để giúp bà con thuận tiện trong vay vốn, đảm bảo giá thức ăn cho nuôi biển luôn được ổn định ở mức hợp lý nhất có thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu. 

"Tại De Heus, chúng tôi đang tiến hành xây dựng các vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi ở Tây Nguyên. Về nguyên liệu nhập khẩu, ví dụ với bột cá hiện nhập khẩu 100% từ Nam Mỹ. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu sử dụng các nguồn nguyên liệu khác, như bột côn trùng nhằm thay thế dần bột cá mà vẫn đảm bảo cung cấp nguồn đạm động vật trong thức ăn nuôi biển. 

Cuối cùng, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hỗ trợ và kết hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia để phát triển mô hình nuôi biển đa dạng hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng theo đúng tiềm năng to lớn sẵn có" - ông Đỗ Văn Kiểm khẳng định.

Về vấn đề quản lý thức ăn nuôi biển nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường, đại diện De Heus cho biết, thức ăn nuôi biển sẽ liên quan đến ô nhiễm môi trường như các thủy vực đều xảy ra ô nhiễm từ thức ăn cá tạp, thậm chí khu vực nuôi biển sử dụng thức ăn công nghiệp quá nhiều cũng bị ô nhiễm. 

"Để khắc phục tình trạng này, theo tôi cần có quy hoạch lồng bè, số lượng cá nuôi hợp lý. Đối với khu vực quá ô nhiễm thì không nên sử dụng thức ăn từ cá tạp mà dùng thức ăn công nghiệp ở mức độ phù hợp. Bên cạnh đó, chúng ta có thể dùng công nghệ để kiểm soát thức ăn; kết hợp xử lý môi trường nuôi biển và nên nuôi trồng thủy sản trên bờ, sau đó mới đưa ra nuôi biển sẽ hiệu quả hơn, bớt rủi ro hơn" - ông Kiểm cho biết thêm.

Bảo Ngọc (Theo báo Dân Việt)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục