Xuất khẩu cá tra tăng gần 77%, đạt giá trị đến 1,4 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù giá cá xuất khẩu tăng nhưng người nuôi lại không được hưởng lợi.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), điểm nổi bật với xuất khẩu cá tra Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 là sự tăng trưởng mạnh của thị trường Trung Quốc. Thị trường này tiêu thụ lượng cá tra nhiều nhất, chiếm 30% thị phần với gần 428 triệu USD, tăng gần 79% so với cùng kỳ. Giá trung bình cá tra phile đông lạnh xuất sang thị trường Trung Quốc là 2,45 USD/kg, tăng 37% so với mức 1,79 USD/kg cùng kỳ 2021.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, nhiều thị trường khác có sự tăng trưởng đột phá so với cùng kỳ như: Thái Lan tăng 90%, chiếm 4,4% thị phần; Mexico tăng 81% chiếm 3,7% thị phần; Hà Lan tăng 74%, Canada tăng 109%... Giá trung bình xuất khẩu cá tra phile sang các thị trường khác đều tăng từ 28 - 66%.
Thị trường Mỹ chiếm 25%, đứng thứ 2 với 356 triệu USD, tăng gấp hơn 2 lần so với nửa đầu 2021. Giá cá tra phile xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt trung bình 4,66 USD/kg, tăng 60% so với 2,93 USD/kg cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2022, giá cá tra đông lạnh xuất vào thị trường Mỹ cũng tăng lên mức 4,6 - 4,89 USD/kg.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL, dù giá xuất khẩu tăng nhưng doanh nghiệp và người chăn nuôi vẫn không được hưởng lợi. Nguyên nhân do chi phí chăn nuôi tăng cao trong 2 năm qua, hiện ở mức bình quân 25.000 - 27.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Giá thành sản xuất cá nguyên liệu đang rất cao khiến nhiều người chăn nuôi đành treo ao. Trong khi đó, nửa đầu năm nay giá cước vận tải biển rất cao.
Việt Nam hiện có hơn 300 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, trong đó Công ty CP Vĩnh Hoàn dẫn đầu với 16% doanh số, xếp thứ 2 là Công ty TNHH thủy sản Biển Đông chiếm 6%.
Thùy Linh (Theo báo Thanh niên)