Tôm sú, tôm đỏ vẫn có triển vọng phát triển tại thị trường Mỹ

(vasep.com.vn) Trong một hội thảo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu của Viện Thủy sản Quốc gia Hoa Kỳ (GSMC), các thành viên tham gia đã thảo luận về triển vọng thị trường đối với tôm sú (Penaeus monodon) và tôm đỏ Argentina (Pleoticus muelleri) ). Cả hai loài đang chiếm vị thế tương đối tại thị trường ngách ở Mỹ nhưng có tiềm năng được bán rộng rãi hơn nếu có thêm các nỗ lực tiếp thị và phát triển thị trường.

Hội thảo đã xem xét lại chặng đường phát triển về tốc độ sản xuất tôm sú trên toàn cầu kể từ 2002. Trước 2002, tôm sú là loài được sản xuất nhiều nhất trên toàn cầu. Robins McIntosh, Phó Chủ tịch của Charoen Pokphand Foods của Thái Lan, cho biết sự gia tăng của tôm chân trắng đơn giản là sự thành công của nông dân với chọn lọc di truyền.

Những chủng mới được đưa ra đầu tiên ở Thái Lan, sau đó là Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Malaysia, sau đó số lượng tôm chân trắng gia tăng nhanh chóng. 

Khi sản lượng tăng vọt, giá tôm chân trắng giảm và các thị trường từng bán tôm sú nhanh chóng chuyển sang tôm chân trắng. Khi đó, tôm sú nuôi bản chất vẫn là loài nuôi tự nhiên, dễ bị dịch bệnh nên việc nuôi loài này gặp nhiều khó khăn. Những thách thức này về cơ bản đã được giải quyết nhờ các dòng tôm sú mới đã thành công ở Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Nhưng vì các ao nuôi tôm chân trắng có năng suất cao hơn nhiều nên hầu hết người nuôi đã tập trung vào loài này.

Chú thích ảnh

Trước 2002, tôm sú là loài được sản xuất nhiều nhất trên toàn cầu

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng Mỹ và châu Âu đã quen với tôm chân trắng, thị trường cho tôm sú bắt đầu biến mất. Hiện tại, chỉ có Việt Nam và Bangladesh là các nhà xuất khẩu tôm sú chính, các nước khác chủ yếu chỉ sản xuất cho tiêu dùng nội địa.

Tại Mỹ, mức giá cao hơn đáng kể so với tôm chân trắng (hiện tại khoảng 2,5 USD/ pound) là trở ngại chính cho việc tăng doanh số bán tôm sú.

Mức chênh lệch đó cần phải giảm xuống còn 1 USD. Theo Urner Barry, trong 6 tháng qua, giá tôm sú không ngừng giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục sẽ giúp tôm sú quay trở lại thị trường.

Tôm chân trắng tiếp tục phổ biến mặc dù chi phí sản xuất và giá xuất trại đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng tương đương nhau. Việc tiếp thị tôm sú như một loại "tôm thương phẩm" chứ không phải tôm cỡ nhỏ và nhấn mạnh tính độc đáo của nó là rất quan trọng.

Tuy nhiên, việc quay trở lại thị trường nên bắt đầu từ các nhà hàng sang trọng, thành viên tham gia hội thảo cho biết. Các đầu bếp sẽ giúp tôm sú tiến đến với người tiêu dùng, và sau đó mới đến các cửa hàng bán lẻ khi nhu cầu tự chế biến của người tiêu dùng tăng. 

Tôm đỏ phục hồi

Matt Fass, chủ tịch của Newport News, Virginia's Marine Products International cho biết ông thấy rất nhiều điểm tương đồng giữa tôm sú và tôm đỏ Argentina. Theo ý kiến của Fass, tôm Argentina đánh bắt tự nhiên là một trong những loài hải sản bị hiểu lầm nhiều nhất, một phần là do sự phức tạp của nghề đánh bắt tôm. Tôm đỏ cũng là loài có tiềm năng lớn.

Chú thích ảnh

Tôm đỏ cũng là loài có tiềm năng lớn tại thị trường Mỹ

Ông nói: “Chúng tôi đang xây dựng các thị trường mới, chúng tôi đang giới thiệu một số mặt hàng mới và tôm đỏ Argentina là một sản phẩm như thế, nhưng có rất nhiều điều mà hầu hết người mua chưa thực sự hiểu về nó”.

Tôm đỏ Argentina có hai mùa, một mùa gần bờ trong mùa hè và một mùa xa bờ trong mùa đông. Tôm đỏ có hai loại sản phẩm riêng biệt: không đầu, còn vỏ (HSLO) và có đầu, còn vỏ (HOSO). Các thành viên tham gia hội thảo đồng ý rằng tôm HLSO vẫn phổ biến hơn ở thị trường Mỹ. Fass cho biết nếu điều này thay đổi, mức độ phổ biến của tôm Argentina ở Mỹ có thể tăng lên đáng kể.

Thùy Linh (Theo undercurrentnews) 

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục