(vasep.com.vn) Theo báo cáo triển vọng ngành nuôi trồng thủy sản mới nhất từ Rabobank, nhu cầu tôm của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm trong nửa cuối năm 2023, tạo ra một tình huống thậm chí còn khó khăn hơn đối với các nhà cung cấp đang phải đối mặt với tình trạng mua chậm từ châu u và Mỹ.
Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng đối với các nhà sản xuất châu Á, những người đang bước vào giai đoạn có thể là khó khăn nhất kể từ khi bùng phát hội chứng tôm chết sớm (EMS) vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng với các nhà sản xuất tôm châu Á năm 2023 không liên quan đến dịch bệnh mà liên quan đến nguồn cung khi Ecuador tăng sản lượng trong khi nhu cầu tại các thị trường trọng điểm đều sụt giảm. Trong nửa đầu năm, Ecuador xuất khẩu hơn 600.000 tấn tôm. Điều này đang làm tình trạng dư cung toàn cầu ngày càng trầm trọng và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất châu Á khác, khiến họ phải cắt giảm sản lượng.
Nửa đầu năm 2023, dù nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU yếu nhưng nhập khẩu của Trung Quốc tăng vọt 49% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt 500.000 tấn cũng giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm. Tuy nhiên, có vẻ như nhu cầu của Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm trong thời gian tới.
Nhập khẩu tăng, nhu cầu tiêu thụ tôm yếu đã tạo ra lượng hàng tồn kho đông lạnh lớn ở Trung Quốc
Nhập khẩu tăng, nhu cầu tiêu thụ tôm yếu đã tạo ra lượng hàng tồn kho đông lạnh lớn ở Trung Quốc. Vì vậy nhu cầu nhập khẩu tôm tại thị trường này sẽ khó tăng trong nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, thị trường Mỹ được dự đoán khó phuc hồi trong nửa cuối năm 2023. Mỹ đã nhập khẩu 62.401 tấn tôm trị giá 523,6 triệu USD trong tháng 5/2023, giảm 17% về khối lượng và 12% về giá trị so với tháng 5/2022, đánh dấu tháng giảm thứ 11 liên tiếp so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu dự báo thị trường Trung Quốc suy thoái là chính xác, Rabobank ước tính tăng trưởng của Ecuador sẽ chậm lại nhưng vẫn tăng 16-18% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự sụt giảm tương đối nhẹ về khối lượng xuất khẩu của Ấn Độ trong nửa đầu năm không thể hiện hết khó khăn mà người nuôi tôm Ấn Độ đang gặp phải, nguồn cung Ấn Độ được dự đoán giảm hơn 20% trong nửa cuối năm nay. Xuất khẩu Indonesia cũng giảm do phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Thuỳ Linh (Theo undercurrentnews)