Ngành tôm Ấn Độ đã vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19 như thế nào?

(vasep.com.vn) Sau khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 khiến vụ tôm mùa hè gặp rất nhiều khó khăn. Các chuyên gia dự báo ngành tôm Ấn Độ có thể bị lỗ 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Tuy nhiên, các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ nước này và nguồn nhân công được cải thiện có thể giúp các DN tôm Ấn Độ duy trì hoạt động trong vụ tôm mùa đông.

Virút Corona đã ảnh hưởng xấu tới sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn thế giới và toàn chuỗi giá trị. Tôm nuôi Ấn Độ chịu ảnh hưởng bất lợi vì lệnh phong tỏa và dịch vụ thực phẩm đóng cửa. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản nước lợ Ấn Độ (CIBA), ngành tôm Ấn Độ có thể chịu lỗ 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021 do dịch bệnh Covid.

Khảo sát của CIBA chỉ ra rằng, các trại ương giống, trại nuôi, nhà chế biến, bán lẻ và nhà XK đã bị lỗ từ 30-40% doanh thu trong thời gian Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa.

Mặc dù đánh giá ban đầu khá nghiêm trọng, các nhà nghiên cứu của CIBA cho rằng các biện pháp bảo vệ nền kinh tế của chính phủ như kiểm soát giá và hỗ trợ DN duy trì công nhân trên bảng lương trong quá trình phong tỏa, đã giúp DN trụ vững được trong vụ tôm mùa đông.

Cuối tháng 9/2020, Ấn Độ có 6,22 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 97.000 người tử vong. Lệnh phong tỏa, bắt đầu từ 25/3/2020, gồm việc hạn chế đi lại và đóng cửa nhiều ngành kinh tế. Phần lớn lực lượng lao động của Ấn Độ phải ở nhà trong suốt thời gian phong tỏa. Mặc dù hiện Ấn Độ đã mở cửa trở lại nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của lệnh phong tỏa đối với chuỗi giá trị thực phẩm vẫn chưa chấm dứt.

Ấn Độ là nước sản xuất tôm lớn thứ 3 thế giới với doanh thu ước đạt 5 tỷ USD mỗi năm. Nước này XK 90% sản lượng tôm trong nước với Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản là những thị trường tiêu thụ lớn nhất. Ngành tôm Ấn Độ tạo việc làm cho 1,2 triệu nhân công trong chuỗi giá trị từ nuôi, chế biến, bán lẻ và XK.

Theo người nuôi tôm Ấn Độ, lệnh phong tỏa được áp dụng từ đầu vụ nuôi tôm mùa hè (từ tháng 3 đến tháng 7). Giai đoạn này Ấn Độ thu hoạch khoảng 60% sản lượng tôm mỗi năm trong khi vụ đông (từ tháng 8 đến tháng 12) thu hoạch lượng tôm còn lại.

Việc di chuyển trong nội bang hoặc giữa các bang rất quan trọng đối với ngành tôm Ấn Độ. Hoạt động nuôi, chế biến, sản xuất thức ăn và nghiên cứu nằm ở các khu vực khác nhau. Lệnh phong tỏa đã dẫn tới việc thiếu nhân công và gây sốc thị trường.

Ảnh hưởng của Covid đối với hoạt động sản xuất giống

Ảnh hưởng lớn nhất đối với các trại ương giống đó là thiếu nhân công, đặc biệt là những công nhân kỹ thuật cao. Mặc dù nhiều ngành kinh tế của Ấn Độ bị thiếu lao động trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay nhưng ngành nuôi trồng thủy sản là ngành bị tổn thương nhiều nhất vì thiếu lao động. Hoạt động sản xuất của ngành tôm không thể linh hoạt và phụ thuộc thời gian nên việc đột ngột thiếu nhân công lành nghề khiến các trại ương giống không thể đáp ứng được hết các hợp đồng đã ký.

Ảnh hưởng thứ hai của lệnh phong tỏa là nhu cầu XK và tiêu dùng tôm giảm. Do chủ các trại giống không thể chắc chắn được đầu ra của tôm giống, việc giữ lại tôm hậu ấu trùng (postlarvae) chưa bán được sẽ gây thua lỗ. Theo khảo sát của CIBA, phần lớn các trại ương giống lúc đó đã bỏ nguồn tôm giống do bất ổn kinh tế.

Một khó khăn nữa cho các trại ương giống là sự phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ sạch bệnh (SPF). Giống như hầu hết các lô hàng quốc tế, NK tôm giống bố mẹ SPF bị tạm thời đình trệ trong thời gian phong tỏa. Các chủ trại ương giống cho rằng nguồn cung giống bố mẹ hiện tại không đủ để đáp ứng nhu cầu. Điều này ảnh hưởng tới khâu đầu tiên trong chuỗi giá trị nuôi tôm và gây ảnh hưởng tới các khâu còn lại.

Ảnh hưởng của Covid đối với người nuôi tôm

Lệnh phong tỏa được áp dụng vào cuối tháng đầu tiên của vụ tôm hè. Theo khảo sát, 27% người nuôi, đã chuẩn bị ao để thả nuôi, không thể hoàn thành chu kỳ sản xuất ba giai đoạn. Người nuôi gặp khó khăn để có được các vật tư đầu vào như thức ăn nuôi tôm và giống và nhu cầu tôm thành phẩm cũng khó dự đoán.

25% trại nuôi trong giai đoạn một (dưới 30 ngày trong vụ nuôi) khi lệnh phong tỏa bắt đầu. 34% trong giai đoạn hai (tôm có 30-80 ngày tăng trưởng) và 14% trong giai đoạn ba (tôm đã có hơn 80 ngày trong môi trường ao nuôi). Các trại nuôi trong giai đoạn ba cho biết họ có thể thu lại được lợi nhuận nhỏ tuy nhiên các trại nuôi khác không may mắn như vậy. Một số công ty nuôi đã phải thu hoạch tôm nhỏ để bán với giá thấp để tránh lỗ nặng hơn trong thời gian kế tiếp.

Tuy nhiên, ngay cả khi “bán tháo” như vậy, các nhà sản xuất không thể có đủ xe tải cách nhiệt hoặc nhân công để thu hoạch và vận chuyển tôm. Thậm chí khi hợp đồng được ký, lệnh phong tỏa khiến các nhà sản xuất không thể tiếp cận với các nhà chế biến hay tiếp thị sản phẩm của họ. Nhiều người nuôi bị lỗ trong vụ tôm hè.

Các phòng thí nghiệm phân tích đóng cửa trong thời gian phong tỏa cũng là một thách thức cho người nuôi. Người nuôi cần các phòng lab này để theo dõi chất lượng nước và sức khỏe của tôm trong suốt vụ nuôi. Người nuôi sẽ không thể dễ dàng quản lý chất lượng nước hoặc phát hiện bệnh trên tôm trong vụ nuôi.

Giống các trại ương giống, người nuôi cũng gặp khó khăn trong việc thuê thêm và duy trì nhân công trong thời gian phong tỏa.

Ảnh hưởng tới chế biến và bán hàng

Các nhà chế biến tôm gặp khó khăn về nguồn lao động. Lao động nhập cư – chiếm phần lớn trong số lao động tay nghề cao tại các nhà máy chế biến – quay về quê trong thời gian phong tỏa. Điều này không thể làm chậm thời gian chế biến mà còn làm giảm chất lượng tôm sau khi được chế biến. Yêu cầu về giãn cách xã hội và đảm bảo thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động cũng là một thách thức với các nhà chế biến tôm.

Nhiều nhà chế biến cho biết, các đơn hàng tôm không đủ lớn để vận hành thiết bị chế biến. Thực tế người nuôi thu hoạch ồ ạt tôm chưa đủ kích cỡ chế biến, cũng làm tăng khó khăn cho các nhà chế biến.

Các nhà chế biến cho biết, đơn hàng XK giảm mạnh gây áp lực lên các kho lạnh tại Ấn Độ. Tồn kho chưa bán tăng ở các cảng chính vì các thị trường NK tôm Ấn Độ đóng cửa các dịch vụ thực phẩm. 

Mặc dù chính quyền bang Andhra Pradesh đã ấn định giá thu mua tối thiểu cho các kích cỡ khác nhau của tôm đã thu hoạch để ổn định thị trường. Những người tham gia khảo sát cho rằng chính sách này không đủ chặt chẽ. Các nhà chế biến thường từ chối trả giá cố định và nói với người nuôi rằng tôm chưa đủ chất lượng.

Các nhà nghiên cứu của CIBA ước tính sự gián đoạn liên quan đến Covid-19 có thể khiến giảm 30-40% trong mỗi khâu của toàn chuỗi giá trị nuôi tôm. Năm 2020, ngành tôm Ấn Độ có thể lỗ 1,5 tỷ USD. Khâu XK tôm có thể chịu ảnh hưởng giảm lớn nhất, gây áp lực lên giá tôm.

Chính phủ Ấn Độ đã cố gắng giảm thiểu tác động xấu của dịch bệnh Covid. Ngay sau khi lệnh phong tỏa bắt đầu, chế biến và nuôi thủy sản trong đó có tôm đã được coi là “hoạt động sản xuất quan trọng”, cho phép một số DN duy trì hoạt động, ngay cả khi công suất của họ sụt giảm. Tuy nhiên, Chính phủ nên cân nhắc các biện pháp khác cho ngành nuôi tôm.

Mặc dù nỗ lực ban đầu nhằm thiết lập giá tối thiểu cho tôm nuôi chưa thành công nhiều, nỗ lực này có thể giúp bảo vệ người nuôi và cải thiện dự báo cho các nhà chế biến.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục