Thị trường Mỹ đang đối mặt với rủi ro dư cung tôm trong vài tháng tới. Nhiều nhà nhập khẩu có đủ nguồn hàng cung cấp đến tháng 8. Một số chuyên gia cho rằng, phải đến quý III năm nay nhu cầu nhập hàng mới bắt đầu trở lại nhằm phục vụ cho dịp Lễ Tạ ơn.
Trong vài tháng qua, lượng hàng tôm khổng lồ từ các nước như Indonesia, Ấn Độ và Ecuador liên tục đổ về thị trường Mỹ, dẫn đến tồn kho hiện ở mức cao. Điều này có làm giảm nhu cầu mua của các công ty nhập khẩu.
Bà Sophia Balod, chuyên gia phân tích của công ty Kontali Analyze cho biết “Thị trường Mỹ đang đối mặt với rủi ro dư cung tôm trong vài tháng tới. Nhiều nhà nhập khẩu có đủ nguồn hàng cung cấp đến tháng 8. Chúng tôi cho rằng, phải đến quý III năm nay nhu cầu nhập hàng mới bắt đầu trở lại nhằm phục vụ cho dịp Lễ Tạ ơn”.
Mặc dù đơn đặt hàng giảm nhưng đơn giá tôm nhập khẩu của Mỹ trong tháng 4 trung bình quanh mức 9,75 USD/kg, tăng 2,4% so với tháng 3. Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ duy trì đà tăng trong suốt 1 năm qua đã đẩy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 4 tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bà Sophia Balod cho rằng giá của các nhà cung cấp tôm lớn dự kiến sẽ giảm trong những tháng tới do nhu cầu thấp. Điều này phản ánh ngay trong số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ trong tháng 4.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, nhập khẩu tôm nước này trong tháng 4 đạt 66.761 tấn, trị giá 651 triệu USD, giảm 13% về lượng và giảm 11% về giá trị so với tháng 3. Tuy nhiên, con số này khá thuận lợi khi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều quốc gia thuộc top đầu xuất khẩu tôm sang Mỹ ghi nhận giảm sút trong tháng 4. Điển hình như Ấn Độ khi xuất khẩu tôm của nước này trong tháng 4 giảm gần 16% so với tháng 3 xuống khoảng 20.000 tấn.
Bà Balod nhận định: “Trong ngắn hạn, lượng nhập khẩu tôm vào Mỹ có thể giảm do các công ty vẫn chưa thể tiêu thụ hết số hàng tồn kho. Họ có thể đợi giá tôm giảm xuống để gom hàng cho những tháng tiếp theo”.
Ngoài ra, việc Ecuador duy trì sản lượng cao và Ấn Độ, Indonesia đang trong giai đoạn thu hoạch khiến nguồn cung dào dào hơn nữa, gây áp lực lên giá. Điều này đồng nghĩa tôm ở kích cỡ lớn nhất, với số lượng lớn nhất sẽ chuẩn bị đổ bộ vào Mỹ trong vài tháng tới. Tuy nhiên, phải chờ cho đến tháng 9 nhu cầu nhập hàng ở Mỹ mới tăng trở lại bởi đó là thời điểm các công ty chuẩn bị tích trữ hàng phục vụ mùa lễ hội cuối năm.
Bà Balod cho biết hiện giá tôm tại các trang trại cũng đang trong xu hướng giảm. Trong bối cảnh hiện tại, kèm với lượng tồn kho cao, các nhà nhập khẩu sẽ khi thận trọng trong việc mua hàng. Bên cạnh đó, vấn đề logistics cũng cần lưu tâm khi giá cước vận tải đang ở mức cao và tình trạng thiếu container vẫn chưa được giải quyết.
Thùy Linh (Theo Vietnambiz)