Xuất khẩu sang Trung Quốc đón tín hiệu tích cực

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022 xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đón nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Tại Quảng Ninh, ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán, hoạt động xuất nhập khẩu tại Lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Móng Cái đã thông quan trở lại sau thời gian nghỉ Tết.

Trong ngày 3/2, đã có 74 xe hàng (173 tấn), gồm: 132 tấn tôm hùm, 10 tấn cua, 6 tấn ốc hương; 25 tấn chè khô của 10 doanh nghiệp, cư dân biên giới đã làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc qua Lối mở Cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Móng Cái.

Chú thích ảnh

Lô hàng thủy sản đầu tiên của Quảng Ninh 2022 được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đến ngày 5/2 (tức ngày 5 Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022), cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 (TP Móng Cái) cũng đã thông quan trở lại. Lô hàng đầu tiên là 5 container với 26 tấn linh kiện điện tử của Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng, KCN Tràng Duệ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ, huyện An Dương, TP Hải Phòng trị giá gần 2,4 triệu USD đã “xông đất” Cửa khẩu Cầu Bắc Luân 2 trong ngày 5/2.

Được biết, để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn những ngày trước đó, TP Móng Cái (Việt Nam) và TP Đông Hưng (Trung Quốc) đã hội đàm để điều chỉnh lịch nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố. Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái đã kéo dài thời gian hoạt động đến hết ngày 31/1.

Cũng trong ngày 5/2, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay nhiều xe container chở chuối, thanh long,… đã được xuất khẩu sang Trung Quốc từ mùng 3 Tết. Đây là tin vui cho ngành rau quả Việt Nam bởi trước đó phía Trung Quốc thông báo sẽ nghỉ Tết dài ngày, khiến giao thương ách tắc.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành rau quả Việt Nam, chiếm đến 53,7% thị phần trong năm 2021, tương đương hơn 1,9 tỉ USD giá trị. Từ năm 2019 kể về trước, Trung Quốc từng chiếm hơn 70% thị phần rau quả xuất khẩu của Việt Nam.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông lệ hằng năm vào mùa Xuân, giá trái cây sẽ ở mức cao do Trung Quốc vẫn còn mùa lạnh, hàng nội địa ít nên cần nhập khẩu trái cây số lượng lớn. Thống kê sơ bộ tháng 1/2022, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt gần 301 triệu USD tăng 0,3% với tháng 12/2021, tháng cao điểm xuất khẩu của năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhấn mạnh Trung Quốc là thị trường truyền thống của ngành. Rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc có lợi thế là thị trường gần nhưng 2 năm nay giá trị xuất khẩu lại giảm. Do đó, các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến thị trường này để tránh bị mất thị phần vào Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia,… bằng cách nghiên cứu sâu hơn về thị trường Trung Quốc để có giải pháp thích ứng phù hợp. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch, nâng cao năng lực để đáp ứng các quy định mới về nhập khẩu nông sản thực phẩm của họ.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2021 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành rau quả đã đạt giá trị xuất khẩu 3,551 tỉ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2020 cho thấy sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành. Do đó, năm nay, nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu được giữ vững thì mục tiêu xuất khẩu 3,8-4 tỉ USD có thể thành hiện thực.

Như vậy, sau những ngày cuối năm có thể nói là thê thảm đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc khi mà hàng nghìn tấn hoa quả gần như bỏ đi do ùn tắc kéo dài tại các cửa khẩu. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc thực hiện chính sách “Zero COVID”.

Thì đến nay, sau những nỗ lực không ngừng từ phía các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương, phía Trung Quốc đã chính thực cho thông quan trở lại. Và những con số xuất khẩu đầu năm như trên, hy vọng sẽ mang lại sự tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục