Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: "Khi gian nan tỏ mặt anh hào"

Thích ứng với khó khăn, linh hoạt trong giải pháp... là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp vượt bão COVID-19. Kinh tế Việt Nam mới đi qua 3/4 chặng đường năm 2021. Hơn một nửa thời gian đó thì người dân, doanh nghiệp chống chịu với ảnh hưởng nặng nề nhất, chưa từng có của đại dịch COVID-19.

Kinh tế 9 tháng tăng trưởng 1,42%, riêng quý III kinh tế có mức giảm sâu. Mức tăng trưởng quý III chậm lại cũng đã được dự liệu khi mà toàn bộ các tỉnh thành phố phía Nam thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để chống dịch. Với 8 tỉnh thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, hay Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phướng, tuy chỉ chiếm gần 20% dân số nhưng đóng góp tới 45% GDP, cũng như 40% giá trị xuất khẩu. Riêng TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước đóng góp khoảng hơn 27% vào tăng trưởng GDP.

Khi mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh phải tạm dừng để chống dịch thì tăng trưởng chậm lại cũng là điều dễ hiểu. Lực lượng doanh nghiệp - lực lượng tạo ra công ăn việc làm và cũng là "tế bào" của nền kinh tế đã phải trải qua những sóng gió chưa từng có.

Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Khi gian nan tỏ mặt anh hào - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp cần nhanh chóng khôi phục sản xuất để nắm bắt cơ hội thị trường trong những tháng cuối năm

Mong mỏi được phục hồi và sản xuất trở lại chưa bao giờ lớn như lúc này vì những tháng cuối năm là cơ hội lớn của thị trường. Tuy nhiên, cùng với những tích cực từ công tác phòng chống dịch bệnh thì việc trở lại nhịp độ sản xuất của doanh nghiệp chưa hết những khó khăn.

Như với các doanh nghiệp lúa gạo, hiện đang là cơ hội để trả đơn hàng đã ký thế nhưng khi tỷ lệ tiêm vaccine của công nhân còn chưa quá nửa thì việc huy động số lượng nhân lực cho các hoạt động sản xuất vẫn là điều doanh nghiệp đắn đo. Còn với doanh nghiệp thuỷ sản tại ĐBSCL, đa số công nhân và nhà máy không cùng địa bàn bởi vậy nếu các tỉnh không có sự thống nhất thì việc di chuyển của người lao động là không thể dù các tỉnh đều đã hạ mức giãn cách.

“Quy định của tỉnh người dân, lao động không được di chuyển ra bên ngoài. Ở đây không phải là ra ngoài tỉnh mà không được qua huyện này qua huyện khác ở vùng xanh, thậm chí có nơi không được qua từ xã này sang xã khác. Vùng xanh rồi mà di chuyển lao động không có thì nhà máy không mở cửa được, ông Nguyễn Văn Kịch - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản Cafatex cho biết.

Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Khi gian nan tỏ mặt anh hào - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp thuỷ sản đang đối diện nhiều thách thức trong quá trình khôi phục lại sản xuất

Ngoài nhân lực là cái khó về nguyên liệu. Với doanh nghiệp thuỷ sản, 4 tháng qua ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ không thể ra khơi nên sản lượng cá ngừ của một doanh nghiệp thu mua chỉ khoảng 20% so với năm trước. Vì vậy, khi bắt tay vào phục hồi sản xuất thì đông nghĩa không có nguyên liệu.

Doanh nghiệp chế biến nông thuỷ sản gặp khó thì nông dân làm ra sản phẩm cũng rơi vào bế tắc khi đang có đến cả trăm ngàn tấn cá tra đang tồn đọng ở ĐBSCL, riêng ở TP Cần Thơ là 39.000 tấn.

“Công đồng doanh nghiệp thuỷ sản có đến 70% doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, số còn lại duy trì tạm thời chỉ từ 10 - 30%. Cái khó đầu tiên là toàn bộ dòng nguyên liệu hay khách hàng liên quan đến thành phẩm, dòng vật tư để phục vụ cho sản xuất… Tất cả những vấn đề này đã bị chia cắt, bị ngừng lại. Nó khiến cho toàn bộ một nhà máy ngừng sản xuất lại", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội thủy sản VASEP cho biết.

Theo ông Nam, khi ngừng sản xuất lại, lực lượng lao động chính là bài toán đau đầu nhất. Bởi nguyên liệu gắn chặt với lực lượng lao động. Cũng theo ông Nam, áp lực thứ 2 là dòng tiền khi chi phí trang trải rất lớn đang khiến giá thành sản phẩm tăng lên.

Đề xuất các giải pháp, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam ( VASEP) nhấn mạnh rằng điều quan trọng vào lúc này làm sao nhanh chóng phê duyệt các phương án sản xuất mà doanh nghiệp đệ trình lên.

"Mỗi một doanh nghiệp có những đặc thù khác nhau hoặc là cơ cở năng lực khác nhau, nhưng phương án chung là đảm bảo an toàn để sản xuất. Chúng tôi đang thấy rằng phương án y tế tại chỗ là phương án nhiều doanh nghiệp đang nghĩ tới. Với phương án này trước hết là các doanh nghiệp có thể chung tay cùng trong chống dịch, thứ 2 là đảm bảo được vấn đề sản xuất", ông Nguyễn Hoài Nam cho biết.

Doanh nghiệp Việt vượt bão COVID-19: Khi gian nan tỏ mặt anh hào - Ảnh 4.

Vaccine được xem là yếu tố chủ chốt trong việc mở lại sản xuất của doanh nghiệp

Đi sâu vào các giải pháp, ông Nguyễn Thế Tài - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nguyễn Hoàng cho biết đây là thời điểm các doanh nghiệp cần phải liên lạc với đối tác, khách hàng để giải quyết các đơn hàng, ưu tiên các đơn hàng thiết yếu cho đối tác.

Bên cạnh đó là liên kết chặt chẽ với những doanh nghiệp cùng ngành để hỗ trợ nhau: trao đổi vật liệu, thành phẩm. Bên cạnh đó là làm việc với những nhà cung ứng để giảm thiểu thiệt hại tối thiểu từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

(Theo VTV)

Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục