Doanh nghiệp thủy sản ứng phó với biến động tỷ giá

Tác động từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao cộng với biến động tỷ giá trên thị trường thế giới đang khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Trước tác động tiêu cực của thị trường, đặc biệt, biến động tỷ giá đồng Euro và Yen Nhật, nhiều doanh nghiệp cho biết, năm nay, sẽ rất khó đạt được mức tăng trưởng như năm ngoái.

Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản sạch Việt Nam, cho biết: "Sức mua của người tiêu dùng đã giảm đáng kể, cộng với biến động tỷ giá nữa làm cho hoạt động xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn".

Càng bất lợi hơn khi nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước đang có dấu hiệu sụt giảm về các tháng cuối năm. Nhiều nhà máy sẽ đối mặt cùng lúc 2 sức ép. Đó là giảm giá xuất khẩu, nhưng phải tăng giá thu mua nguyên liệu do nguồn cung thiếu.

Chú thích ảnh

Biến động tỷ giá Euro và đồng Yên Nhật ảnh hưởng đến doanh nghiệp thủy sản

Ông Mai Bá Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chế biến xuất khẩu Tôm Việt, nói: "Trước tình hình đó, nhiều nhà máy đẩy mạnh đàm phán, chia sẻ hài hoà giá thu mua nguyên liệu và giá xuất khẩu, đồng thời tăng cường sản xuất hàng tinh chế để tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt khi EU và Nhật Bản đều rất ưa chuộng các sản phẩm này".

Bà Lê Hằng, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định: "Trong điều kiện thị trường hàng hóa thế giới và thị trường ngoại hối có nhiều biến động, các doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VNĐ và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho doanh nghiệp".

Nhiều chuyên gia dự báo, nhu cầu mặt hàng thủy sản thế giới sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 để chuẩn bị cho mùa lễ hội. Vì vậy, mục tiêu 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm nay vẫn có thể trong tầm tay./.

Thùy Linh (Theo VoV

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin liên quan
Tin cùng chuyên mục