Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 1,08 tỷ USD.
Theo báo cáo tổng kết tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2022 và kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cà Mau, tổng sản lượng thuỷ sản 622.100 tấn, đạt 98,75% so kế hoạch, tăng 2,16% so với cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 386.000 tấn với diện tích nuôi trồng đạt 304.911 ha. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 236.100 tấn. Năm 2022, Cà Mau có 100% số lượng tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (1.565 tàu).
Với các lĩnh vực khác thuộc ngành nông nghiệp, về gieo trồng, diện tích gieo trồng của tỉnh đạt 110.975 ha với tổng sản lượng lúa 543.991 tấn, năng suất đạt 4,9 tấn/ha. Tỉnh tập trung phát triển sản xuất lúa theo mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm lúa an toàn và lúa hữu cơ.
Về chăn nuôi, tổng đàn heo xuất chuồng đạt 205.000 con đạt 97,62% so kế hoạch, tăng 18,33% so cùng kỳ. Tổng đàn gia cầm xuất chuồng 5.300.000 con, tăng 15,22% so kế hoạch, bằng 92,25% so cùng kỳ.
Về lâm nghiệp, diện tích trồng rừng mới năm 2022 đạt 303 ha, đạt 101% kế hoạch. Trồng cây phân tán (cây gỗ lớn 35.000 cây, đạt 100%; cây gỗ nhỏ 2.765.000 cây, đạt 100%). Trồng rừng sau khai thác 3.700 ha, đạt 100%.
Năm 2022, tỉnh Cà Mau thành lập mới 26 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Hiện toàn tỉnh có 176/198 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, 1 liên hiệp hợp tác xã, có 790 tổ hợp tác và 28 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định.
Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã hỗ trợ công nhận sản phẩm OCOP cho 57 sản phẩm của 22 chủ thể. Toàn tỉnh đã công nhận tổng cộng 101 sản phẩm OCOP, trong đó có 98 sản phẩm 3 sao, 3 sản phẩm 4 sao.
Đối với lĩnh vực thủy sản, Cà Mau có 5 công ty chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ và các đơn vị có liên quan mở rộng diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tôm - rừng tăng thêm 9.089 ha và liên kết sản xuất tiêu thụ với 3 HTX quy mô 700 ha tôm lúa ở huyện Thới Bình nâng tổng diện tích liên kết là 22.337 ha.
Lĩnh vực trồng trọt có 23 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa với diện tích 6.320 ha, sản lượng tiêu thụ khoảng 30.075 tấn lúa an toàn chất lượng cao, lúa tôm và lúa hữu cơ, bằng 5,56% so tổng sản lượng.
Lĩnh vực chăn nuôi có 6 doanh nghiệp, 2 trại nuôi heo tập trung liên kết với CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam và công ty TNHH CJ Vina Agri quy mô 28.679 con, chiếm 16,56 % tổng đàn.
Về lâm nghiệp, tiếp tục duy trì 2 liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX Vạn Lợi và CTCP đầu tư Thúy Sơn với diện tích 340 ha, sản lượng gỗ khai thác đạt 34.000 m3.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông, lâm, thủy sản của tỉnh Cà Mau vẫn còn nhiều khó khăn. Theo báo cáo, tổng sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ nhưng chưa đạt theo kế hoạch. Còn xảy ra trường hợp tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài; chưa khai thác tốt các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão. Tái đàn heo còn chậm; trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp tăng hơn cùng kỳ nhưng quy mô nhỏ lẻ chủ yếu vi phạm thủ tục về mua bán, vận chuyển lâm sản.
Mục tiêu năm 2023
Năm 2023, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt 640.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn, tăng 6,6%/năm). Sản lượng khai thác thủy sản đạt 235.000 tấn, tăng 2,9%/năm (sản lượng tôm đạt 243.000 tấn). Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 405.000 tấn, tăng 4,9%/năm (sản lượng tôm 233.000 tấn).
Sản lượng lúa đạt 500.000 tấn. Tổng đàn heo xuất chuồng đạt 225.000 con; tổng đàn gia cầm xuất chuồng đạt 5.000.000 con.
Trồng rừng mới đạt 300 ha; diện tích có rừng tập trung đạt 94.681 ha; tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 26,03%.
Trong năm 2023, tỉnh Cà Mau đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với ngành nông, lâm, thủy sản. Bao gồm, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hiện hành, đề xuất ban hành các cơ chế chính sách đặc thù tạo sự phát triển cho ngành.
Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện từng vùng, sản phẩm hàng hóa.
Bảo Ngọc (Theo Mekong Asean)