Trung Quốc ủng hộ cách mạng nuôi trồng thủy sản xanh

(vasep.com.vn) Thông báo này đã thu hút được 30.000 lượt xem trên một trang web của ngành thủy sản Trung Quốc. Theo ông, Zhang Xianliang lãnh đạo Cơ quan quản lý thủy sản tại Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, đây là một điều “chưa từng xảy ra” và nó sẽ rất quan trọng đối với ngành nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc trong vòng 2-3 năm tới.

Wang Songlin, Chủ tịch Hiệp hội bảo tồn biển Thanh Đảo, nói rằng sẽ có những người được hưởng lợi và gặp bất lợi do chính sách này. Nhiều người nuôi tôm áp dụng các hệ thống nuôi thâm canh, nuôi công nghệ lạc hậu ở các vùng ven biển có khả năng phải đối mặt với áp lực pháp lý gia tăng.

Một tài liệu có tiêu đề “Ý tưởng thúc đẩy sự phát triển xanh của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc” được đưa ra là dấu ấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của chính phủ Trung Quốc, do thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu. Tài liệu này đã mang đến những sự phấn khích cho những người tham gia vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc bao gồm những Giám đốc điều hành, các học giả và người nuôi.

“Trước đây, Quốc vụ viện chưa bao giờ đề cập riêng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản”, ông Zhang cho biết tại Diễn đàn Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu tổ chức tại Chu Hải, tỉnh Quảng Đông hồi tháng 5/2019. Đây là một tín hiệu quan trọng đối với ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc, cho thấy Chính phủ đang thúc đẩy thực hiện việc phát triển thủy sản xanh một cách nghiêm túc.

Trung Quốc là nhà sản xuất thủy sản lớn nhất thế giới. Theo Niên giám thống kê thủy sản Trung Quốc năm 2018, trong năm 2017, nước này đã sản xuất 49,1 triệu tấn thủy sản (bao gồm cả rong biển). Ấn Độ, nhà sản xuất thủy sản lớn thứ hai thế giới bị bỏ xa với sản lượng đạt 5,7 triệu tấn trong năm 2017, theo số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc. Cũng theo số liệu của Trung Quốc, 4,9 triệu người dân đang tham gia vào hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản ở nước này.

Nhưng những lo ngại về ô nhiễm từ nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện thường xuyên hơn trong các tuyên bố của chính phủ tại Trung Quốc. Theo số liệu của Trung Quốc trình bày tại Diễn đàn nuôi trồng thủy sản toàn cầu, gần 5% ô nhiễm ở đường thủy nội địa Trung Quốc từ nuôi trồng thủy sản. Ngày nay, vấn đề trong ngành thủy sản Trung Quốc là hiện tượng tảo nở hoa.

Tài liệu của Quốc Vụ viện ghi nhận những thành công vượt trội của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc trong việc cung cấp nguồn protein chất lượng cao. Tuy nhiên, tài liệu này cũng cho rằng ngành thủy sản Trung Quốc đang gặp phải một số vấn đề như việc bố trí canh tác và cấu trúc ngành này chưa hợp lý, mật độ nuôi ở một số khu vực còn cao.

Phần còn lại của tài liệu giống như tuyên ngôn của một nhóm bảo vệ môi trường.

Điều 26 nêu ra những hướng dẫn nguyên tắc, mục tiêu và ý tưởng bao gồm tất cả các khía cạnh tầm nhìn xanh của Quốc vụ viện đối với ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc. Điều này bao gồm tất cả các yếu tố như bột cá, thức ăn và chuỗi cung ứng lạnh.

Điều 2, có tiêu đề “nguyên tắc hướng dẫn” kêu gọi phát triển các sản phẩm thủy sản chất lượng cao,đặc biệt và sinh thái. Ngoài ra còn có một vai trò lớn hơn cho thị trường tự do.

Điều 6, cơ quan quản lý nên khuyến khích nuôi ghép lúa-cá và hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản xa bờ xanh bên cạnh việc xây dựng các mô hình nền tảng nuôi trồng thủy sản thông minh xa bờ.

Điều 13 kêu gọi quản lý chất thải nghiêm ngặt hơn và xử lý chất thải của các thiết bị nuôi trồng thủy sản như phao, lưới và các thiết bị nổi khác.

Một điều khác đặt mục tiêu 7.000 "trang trại trình diễn nuôi trồng thủy sản cấp quốc gia" và 550 "khu vực bảo vệ mầm giống thủy sản cấp quốc gia" vào năm 2020.

Điều 21 kêu gọi nghiên cứu thêm về các chất thay thế bột cá.

Điều 19 khuyến khích các viện nghiên cứu và trường đại học thiết lập các dự án trình diễn và thúc đẩy công nghệ nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc ở nước ngoài. Điều này cũng đề cập đến việc hỗ trợ "các công ty nuôi trồng thủy sản quy mô lớn" đáp ứng việc thực hiện chính sách Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Tiếp tục xu hướng bền vững

Vấn đề cốt lõi là tài liệu này không đề cập đến nguồn ngân sách; các luật, quy định mới hay chính sách cụ thể cũng không được nêu ra. Tuy nhiên, các quan chức trong hệ thống chính trị của Trung Quốc đang muốn thể hiện ý chí của Bắc Kinh. Do đó, ông Wang ủng hộ "tinh thần của tài liệu này" và cho rằng tài liệu này đã chỉ ra một "hướng đi rất hứa hẹn". Các chính sách mới từ chính quyền trung ương và địa phương đáp ứng các mục tiêu của tài liệu nên tuân theo.

Hơn nữa, việc cải thiện các chứng nhận môi trường của ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đã rõ ràng, với các tổ chức chứng nhận Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất (BAP) và Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đã đạt được sức hút với các đại gia thương mại điện tử của Trung Quốc như JD.com và Alibaba. Nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh ở một số vùng của đất nước.

Trong tháng 1 năm nay, trước thông báo của Quốc Vụ viện, Cui He, Chủ tịch Liên minh tiếp thị và chế biến thủy sản Trung Quốc (CAPPMA), cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch đóng cửa các trang trại nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Năm trước, Trung Quốc đã tháo dỡ đường ống xả nước thải trực tiếp ra biển ở Hải Nam và lấp các ao nuôi trồng thủy sản bất hợp pháp ở Giang Tô.

Cui He cho biết, với việc thẳng tay xử lý các trường hợp trên, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Trung Quốc có thể giảm trong năm 2019. Định hướng sản xuất xanh của Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho thị trường thủy sản toàn cầu, NK thủy sản Trung Quốc tăng lên 11,9 tỷ USD vào năm 2018 và NK tôm vào Trung Quốc dự kiến sẽ vượt NK của Mỹ trong năm 2019.

“Người được và kẻ mất”

Ông Wang cho rằng các hộ nuôi tôm, đặc biệt là những người nuôi tôm ở các vùng nông thôn nghèo, có thể phải đối mặt với áp lực pháp lý gia tăng.

Trung Quốc tuyên bố là nhà sản xuất tôm nuôi lớn nhất thế giới, mặc dù các con số đưa ra đang bị tranh cãi.

Theo Wang, người nuôi tôm sử dụng ao khai hoang từ các khu vực ven biển có rừng ngập mặn hoặc bãi bồi liên triều chắc chắn sẽ phải ngừng hoạt động. Hơn một nửa sản lượng tôm thẻ chân trắng của Trung Quốc, loài tôm được nuôi nhiều nhất ở Trung Quốc, được sản xuất ở các vùng ven biển.

Người nuôi hải sâm Trung Quốc vốn sản lượng hải sâm thế giới cũng có thể chịu áp lực vì những lý do tương tự. Hải sâm thường được nuôi ở vùng đất ngập nước khai hoang ở phía bắc của Trung Quốc.

Trong số các ngành có giá trị kinh tế khác, ngành hàng rô phi có thể theo kịp các chính sách xanh của Trung Quốc.

Ông Wang cho rằng người nuôi nên được bồi thường thỏa đáng nếu họ buộc phải dừng hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng cho biết không phải tất cả các nhà nuôi trồng thủy sản đều bị ảnh hưởng.

Những người nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm trong ao nước mặn với mật độ rất thấp và ít sử dụng thuốc sẽ đem lại lợi ích cho họ. Điều tương tự cũng xảy ra với các công ty có nguồn vốn lớn có thể đầu tư vào các cơ sở xử lý nước thải và sử dụng tôm bố mẹ không chứa mầm bệnh (SPF).

Các nhà sản xuất nhỏ hơn sử dụng các mô hình canh tác truyền thống thân thiện với môi trường, hoặc hiện đại hóa các mô hình truyền thống như nuôi cá chép trong ruộng lúa hoặc nuôi ghép nhiều loài đều mang lại lợi ích.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục