Trung Quốc: Tiềm năng thương mại điện tử thủy sản xuyên biên giới

(vasep.com.vn) Thương mại điện tử xuyên biên giới là một phân khúc phát triển nhanh chóng trong ngành thương mại trực tuyến hoành tráng của Trung Quốc. Không chỉ các sản phẩm về mỹ phẩm Hàn Quốc và Nhật Bản có doanh thu tăng, mà ngành thủy sản cũng có cơ hội lớn.

Cá bơn, cá hồi salmon, cá chim NK là các loài chính giao dịch trên các kênh bán lẻ trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc. Qua đó, người tiêu dùng Trung Quốc có thể mua các sản phẩm thủy sản từ nước ngoài và sẽ được vận chuyển đến tận nhà theo yêu cầu.

Theo nghiên cứu mới trên lĩnh vực thương mại của eMarketer, một trung tâm nghiên cứu tư vấn, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc (trừ doanh thu thương mại trực tuyến hiện có trên các trang web có mô hình DN với khách hàng (business-to-consumer) khác như Tmall.com và JD.com) ước đạt 86 tỷ USD trong năm 2016, tăng gấp 3 lần so với năm 2014. Các dự án đầu tư tại Trung Quốc cho các trang web thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2017 và 160 tỷ USD vào năm 2020, vì hàng hoá trực tuyến ngày càng có mức giá phải chăng và phù hợp với tầng lớp trung lưu Trung Quốc có thu nhập ổn định trong thập kỷ qua.

Các trang web Tmall Global và JD.com Global, 2 trang thương mại điện tử đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa NK, là những đối tượng đặc biệt được quan tâm trong nghiên cứu của eMarketer.

Theo nghiên cứu của McKinsey, với doanh thu 630 tỷ USD năm 2015, thị trường bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc có quy mô lớn nhất thế giới, hơn gần 80% so với bán hàng trực tuyến tại Mỹ. Trong đó, thương mại điện tử chiếm 13,5% thị trường bán lẻ, cao hơn so với con số tương ứng của Mỹ.

Theo ước tính từ công ty nghiên cứu IBISWorld, Trung Quốc tính được xem là thị trường hàng tạp hóa lớn nhất thế giới với 1,1 nghìn tỷ USD mỗi năm, nhưng Trung Quốc vẫn chỉ chiếm 3% doanh thu toàn cầu của Walmart với 478 tỷ USD. Walmart có 400 cửa hàng ở Trung Quốc so với hơn 5.000 cửa hàng tại Mỹ. Dự kiến trong 4 năm nữa, doanh thu hàng tạp hóa của Trung Quốc ​​sẽ tăng lên gần 1,5 nghìn tỷ USD.

Rõ ràng, thương mại trực tuyến rất phù hợp với hàng hóa không dễ hỏng như mỹ phẩm, và người tiêu dùng thương mại điện tử Trung Quốc mua với số lượng lớn từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nhưng đối với hàng thủy sản, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đã nâng cấp khả năng chuỗi cung ứng lạnh của họ.

Ngoài Tmall Global, Alibaba cũng có trang web Mr Fresh (miao.tmall.com), một dịch vụ giúp các công ty thực phẩm nước ngoài thâm nhập vào thị trường Trung Quốc (mà không mất chi phí mở cửa hàng chính thức trên Tmall), với một khoản tiền hoa hồng đề ra, Alibaba sẽ lo về hải quan, doanh thu, hậu cần và dịch vụ khách hàng cho các công ty đó.

Đáng chú ý, một nửa trong số 400 triệu người tiêu dùng thương mại điện tử Trung Quốc mua hàng qua các kênh xuyên biên giới, với chi tiêu trung bình 473 USD/người/năm. Ban đầu, Trung Quốc thúc đẩy thương mại xuyên biên giới thông qua một chương trình thí điểm mang tên 8 thành phố lớn. Qua đó, người mua có quyền xử lý đóng gói và không phải đóng các loại thuế NK cho mỗi khoản mua có giá trị nhỏ hơn 2.000 NDT (300 USD, 271 EUR), giá trị tối đa lên đến 20.000 NDT (3.000 USD, 2.710 EUR) mỗi năm, trong khi thuế VAT và thuế tiêu thụ được tính ở mức 70% số thuế phải nộp.

Tuy nhiên gần đây, chính quyền Trung Quốc có sự điều chỉnh đôi chút, quan tâm hơn về cách mua hàng trực tuyến đối với thực phẩm và sữa NK vào trong nước, và làm thế nào để thu thuế từ đó. Các thương nhân có thể sử dụng kênh trực tuyến để trốn thuế với một lượng lớn hàng hóa NK thông qua bưu kiện riêng. Từ tháng 1/2018, các công ty NK thực phẩm sẽ phải đăng ký với cơ quan quản lý để có thể NK các sản phẩm thông qua các cảng đặc biệt được chỉ định.

Tuy vậy, các kênh bán hàng trực tuyến và xuyên biên giới vẫn không ngừng phát triển. Sự bùng nổ tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc (thu nhập trên 20.000 USD/năm), tăng từ 5 triệu người năm 2001 lên 300 triệu người năm 2015, là lý do chính Trung Quốc dẫn đầu về chỉ số độ hấp dẫn đối với Thực phẩm và đồ uống IESE năm nay, một bảng xếp hạng hàng năm của thị trường cho thực phẩm và đồ uống của Deloitte và Trường Business School IESE tại Munich. Báo cáo năm 2016 đo lường độ hấp dẫn và tiềm năng của các quốc gia theo 6 chỉ số, bao gồm khối lượng NK thực phẩm và đồ uống, dân số và thu nhập.

Với sự gia tăng nhanh chóng như vậy, người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng và dễ dàng mua các sản phẩm thủy sản, đây là cơ hội phát triển cho các nhà cung cấp thủy sản lớn trên thế giới về dài hạn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục