Thương mại thủy sản toàn cầu tăng trưởng chậm

(vasep.com.vn) Thương mại thủy sản toàn cầu đối với các sản phẩm thủy sản tăng trưởng trở lại vào năm 2016, mặc dù tổng giá trị thương mại là 140 tỷ USD vẫn thấp hơn so với con số 148,3 tỷ USD năm 2014. Sự gia tăng đáng kể của đồng USD so với nhiều đồng tiền lớn khác trong khoảng thời gian này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung và nhu cầu về mặt hàng này. Tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản toàn cầu ổn định ở mức 5% vào năm 2016, cho thấy nhu cầu của thế giới đối với thủy sản không suy giảm. Nuôi trồng thủy sản vẫn đóng vai trò quan trọng, chiếm phần lớn (53%) sản lượng thủy sản con người tiêu dùng, và nếu các xu hướng này tiếp tục tăng, đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản có thể sẽ vượt sản lượng khai thác.

Cùng với xu hướng gia tăng sản lượng, tiêu thụ cá hàng năm trên toàn cầu tăng khoảng 1%/năm, và đạt 20,5 kg/người/năm trong năm 2016. Tuy nhiên, đáng chú ý là tổng khối lượng thủy sản cho thương mại vẫn ổn định trong 3 năm gần đây với khối lượng 60 triệu tấn. Điều này cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường nội địa ở các nước sản xuất chính, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trên thế giới. Đây là kết quả do thu nhập và mức chi tiêu cho các sản phẩm protein tăng cũng như kết quả từ các chính sách của chính phủ về chuyển hướng đánh bắt nội địa phục vụ thị trường trong nước.

Tuy nhiên, khi thương mại thủy sản ở các nước đang phát triển chậm lại, thì các nước phát triển một lần nữa lại dẫn đầu về tăng trưởng đối với cả NK và XK. Trong đó, tổng giá trị thương mại của Châu Âu tăng đáng kể vào năm 2016, phản ánh nhu cầu tiêu dùng phục hồi dù tăng trưởng kinh tế chậm nhưng ổn định. Ngoài ra, tổng giá trị thương mại tăng cũng một phần nhờ giá một số loài quan trọng như cá tuyết cod, cá hồi, nhuyễn thể chân đầu và cá nổi tăng. Cuộc bỏ phiếu Anh rời khỏi EU không có tác động đáng kể đến thương mại thủy sản của nước này, mặc dù sự sụt giá bảng Anh cũng đã làm giảm sức mua của các nhà NK và tăng khả năng cạnh tranh cho các nhà XK.

Về phía nhà XK, Na Uy là nước hưởng lợi lớn nhất từ tình hình kinh tế được cải thiện và xu hướng giá tăng, đây là nhà cung cấp chính cho thị trường EU và là nhà sản xuất cá tuyết cod, cá hồi, cá trích và cá thu lớn. Trong khi đó, giá cá ngừ và tôm, hai loài XK chính của các nước đang phát triển, có xu hướng tăng lên trên thị trường toàn cầu nhưng vẫn thấp hơn mức cao lịch sử. Xu hướng giá của một số loài có giá trị thương mại cao khác không giống nhau vào năm 2016, trong đó, giá nhuyễn thể chân đầu tiếp tục xu hướng tăng mạnh và giá sò điệp tăng vọt trong khi giá cá rô phi giảm. Tại Peru, hiện tượng El Niño đã tác động tiêu cực đến hoạt động đánh bắt cá cơm, do vậy XK bột cá và dầu cá giảm vào năm 2016.

Vào năm 2017, các yếu tố môi trường đã hạn chế nguồn một số loài quan trọng, bao gồm cả khai thác tự nhiên và nuôi, do vậy mức giá toàn cầu dự kiến sẽ tăng. Các nhà phân tích dự báo sự hồi phục kinh tế ở EU chậm và mức tăng trưởng tương đối thấp nhưng vẫn ổn định tại Mỹ và Nhật Bản, trong khi Nga và Brazil cũng đang dần thoát khỏi suy thoái.

Cùng với nhu cầu mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi trên thế giới, triển vọng thị trường thủy sản thế giới năm 2017 dự kiến tăng trưởng tích cực hơn.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục