Thị trường châu Á - cơ hội và thách thức cho ngành thủy sản Anh

(vasep.com.vn) Marcus Coleman, Giám đốc điều hành của Seafish – Tổ chức hỗ trợ ngành thủy sản Vương Quốc Anh 10 tỷ GBP (12,7 tỷ USD, 11,3 tỷ EUR) - đã nghiên cứu xem xu hướng ngành thủy sản toàn cầu mang lại những cơ hội hay thách thức gì cho chuỗi cung ứng thủy sản có vỏ của nước này.

Trong bài trình bày gần đây tại hội nghị thường niên của Hiệp hội thủy sản có vỏ của Vương quốc Anh, Coleman tập trung vào mối đe dọa chất thải nhựa đối ngành thủy sản của Vương quốc Anh.

Châu Á sẽ trở thành thị trường vô cùng quan trọng trong 30 năm tới, với nhu cầu thịt và thủy sản dự kiến tăng gấp đôi ​​lên khoảng 420 triệu tấn mỗi năm, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng châu Á ngày càng giàu có. Đến năm 2050, Hàn Quốc được dự báo sẽ có mức tiêu thụ hải sản bình quân đầu người/năm cao nhất ở châu Á, trong khi Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường lớn nhất tính theo khối lượng.

Coleman cho biết, tỷ lệ tiêu thụ thủy sản của châu Á so với các loại protein từ động vật khác đã giảm từ thập niên 1960 đến thập niên 1990, nhưng mức tiêu thụ từ đó đến nay vẫn không đổi. Thủy sản hiện chiếm khoảng 25% lượng protein tiêu thụ, trong khi đó thịt chiếm 3% và protein từ động vật khác chiếm 40%.

Năm 2013, 25% thị phần thủy sản tương đương với khoảng 52 triệu tấn, nhưng đến năm 2050, tỷ lệ tương tự đó sẽ tương đương với mức khoảng 105 triệu tấn. Điều này có nghĩa là sẽ có những cơ hội thực sự cho các nhà cung cấp thủy sản có vỏ.

XK thủy sản có vỏ của Anh sang châu Á đã tăng mạnh trong giai đoạn 2014-2018 cả về khối lượng và giá trị.  Khối lượng XK đã tăng 5.000 tấn, trong khi đó giá trị XK tăng thêm 54 triệu GBP (69 triệu USD, 60,8 triệu EUR), đạt mức 110 triệu GBP (140 triệu USD,123,8 triệu EUR) trong giai đoạn này.

Dịch tả lợn châu Phi (ASF) bùng phát gần đây ở Trung Quốc có thể sẽ tạo ra những cơ hội cho thủy sản có vỏ của Anh tại thị trường châu Á. Kể từ khi được phát hiện vào tháng 8 năm 2018, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra nhiều tỉnh ở Trung Quốc, nó cũng được phát hiện ở Campuchia và Việt Nam. Dự kiến ASF sẽ tiếp tục lan rộng và thiệt hại đến sản xuất. Theo đó, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm tới 35% trong năm 2019, mức thiệt hại này lớn hơn 30% toàn bộ sản lượng thịt lợn hàng của Mỹ, và tương đương với nguồn cung thịt lợn hàng năm của Châu Âu. Coleman cho biết ông đã thấy dự đoán từ Rabobank rằng việc mất một lượng lớn protein như thế sẽ dẫn đến một sự thay đổi lớn trong mô hình thương mại protein từ động vật trên toàn thế giới.

Trong khi thị trường châu Á đem lại những cơ hội cho ngành thủy sản có vỏ của Vương Quốc Anh, thì chất thải nhựa có thể là mối đe dọa lớn nhất của Anh. Coleman đã lên án khối lượng lớn chất thải nhựa đã được tạo ra và phần lớn trong số đó đổ ra môi trường biển. Nghiên cứu cho thấy từ những năm 1950, 9 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất tạo ra 7 tỷ tấn chất thải. Các số liệu thống kê thật đáng sợ: 40% nhựa được sản xuất hàng năm là các mặt hàng sử dụng một lần, 80% nhựa trong các đại dương được thải ra từ đất liền và 90% trong số này chảy ra từ 10 con sông ở châu Á. Tuy nhiên, Coleman đã đấu tranh để phản đối các báo cáo gần đây trong việc viện dẫn không chính xác các rủi ro đối với sức khỏe con người hiện nay của các hạt vi nhựa.

Các tiêu đề như 'Những người yêu thích thủy sản ăn 11.000 miếng nhựa độc hại mỗi năm' và 'Vi nhựa trong vẹm của chúng ta: biển đang mang rác thải của con người trở lại với chúng ta', là những tiêu đề theo chủ nghĩa giật gân. Đây là một rủi ro làm giảm uy tín rõ ràng đối với ngành thủy sản, ông Coleman nói.

Ông giải thích rằng những tiêu đề đặc biệt này đến từ một nghiên cứu nói rằng người Bỉ, những người tiêu thụ vẹm hàng đầu ở châu Âu, đã tiêu thụ 72,1 gram vẹm mỗi ngày, mỗi người đưa vào cơ thể khoảng 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Một uớc tính dè dặt hơn cho rằng mỗi người tiêu thụ vẹm của Anh đưa vào cơ thể gần 125 hạt vi nhựa mỗi năm. Thủy sản có vỏ là một thực phẩm cần được quan tâm, vì chúng ta tiêu thụ cả con và ít ai biết về nguy cơ của các hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, Tổ chức Tư vấn khoa học chính sách của các học viện châu Âu (SAPEA) khuyên rằng không có bằng chứng nào về nguy cơ đối với sức khỏe con người từ những hạt vi nhựa hiện nay.

Để đối phó với mối đe dọa của các hạt vi nhựa, Seafish vừa thực hiện một nghiên cứu về chủ đề này, với mục đích mô tả đặc điểm rủi ro và xuất bản hướng dẫn cách các doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro đó.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục