Nhật Bản xây dựng hệ thống nuôi thủy sản xa bờ đầu tiên

(vasep.com.vn) Hiện nay, nuôi thủy sản ngoài khơi chiếm một phần nhỏ trong nuôi trồng thủy sản toàn cầu, tuy nhiên, hoạt động này sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu thủy sản cho hơn 8 tỷ dân trên thế giới dự kiến năm 2030. Tại Nhật Bản, một công ty đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống nuôi thủy sản xa bờ quy mô lớn đầu tiên.

Với những kỳ vọng bứt phá đối với sự phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, nuôi thủy sản ngoài khơi nhận được sự quan tâm đáng kể. Chất lượng nước ở khu vực ngoài khơi tốt, như điều kiện oxy, ít ô nhiễm và ít xảy ra hiện tượng phú dưỡng, được xem là những lợi thế lớn. Hơn nữa, nuôi thủy sản xa bờ cũng giúp phân tán các phế thải hòa tan và dạng hạt.

Tháng 10/2016, công ty Nippon Steel & Sumikin Engineering Co Ltd của Nhật Bản, một công ty chuyên thiết kế và xây dựng các dàn khoan dầu ngoài khơi, đã công bố kế hoạch xây dựng hệ thống nuôi trồng thủy sản xa bờ quy mô lớn đầu tiên trên thế giới cùng với công ty con Yumigahama Suisan.

Sử dụng hệ thống thử nghiệm, kiểm tra xác minh dự kiến được thực hiện từ tháng 12/2016 đến tháng 5/2017 tại trang trại nuôi cá hồi Coho Yumigahama Suisan thuộc thành phố cảng Sakaiminato, tỉnh Tottori, miền tây Nhật Bản.

Thời gian kiểm tra trùng với vụ nuôi cá hồi coho tại Miho Bay, khoảng 3 km ngoài khơi bờ biển Sakaiminato. Nếu các thử nghiệm thành công và hệ thống được đưa vào thực hiện, nuôi thủy sản xa bờ kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản Nhật Bản.

Mẫu thử nghiệm gồm một tháp thép cao 18 mét có hai bể gắn liền. Các bể này để lưu trữ thức ăn và sẵn sàng đi vào hoạt động từ tháng 7 năm nay. Các nồng nuôi mở rộng khoảng 150 mét tính từ tháp.

Tòa tháp còn chứa quạt, được kết nối với một hệ thống đường ống ngầm dưới biển ở đáy đại dương trải dài khoảng 150 đến 400 m và cung cấp thức ăn bằng áp suất không khí khi sử dụng khí nén. Các đường ống được liên kết đến máng ăn tự động phục vụ các nồng nuôi tròn với đường kính khoảng 25 m.

Người nuôi có thể sử dụng máy vi tính và máy tính bảng để vận hành tất cả các quy trình từ đất liền, và tùy thuộc vào kích cỡ của cá, các bể chứa sẽ lưu trữ thức ăn từ 3-7 ngày.

Hệ thống này cũng sẽ có thể xác định mức độ ăn của cá với thức ăn nhân tạo nhờ vào cảm biến được gắn vào các nồng nuôi.

Khi cá cắn thức ăn nhân tạo, các cảm biến sẽ nhận dữ liệu với tốc độ 0,1 giây và truyền thông tin đến người nuôi trên đất liền. Tùy thuộc vào tần suất cá cắn thức ăn, người nuôi sẽ điều chỉnh lượng thức ăn để tránh lãng phí và chất lượng cá nuôi sẽ tốt hơn.

Trong quá trình thử nghiệm, các thiết bị lưu trữ một lượng lớn thức ăn trên biển, công nghệ để chuyển bột cá từ bể chứa và công nghệ điều khiển từ xa để quản lý thức ăn cho cá trong các bể ngoài khơi sẽ liên tục được kiểm tra.

Nồng nuôi cỡ lớn có độ sâu khoảng 20m cũng sẽ được kiểm tra. Tùy thuộc vào kết quả thu được, Công ty Nippon Steel & Sumikin Engineering dự kiến sẽ đưa hệ thống này vào thực tiễn và sẽ góp phần phát triển ngành thủy sản.

Hệ thống nuôi thủy sản ngoài khơi mới này có một số lợi thế. Ví dụ, nó có thể chịu được mức sóng lên tới 7m tốc độ cao và thủy triều lên đến 2 hải lý. Nhờ các nồng nuôi cỡ lớn, nó cũng sẽ giúp tăng sản lượng cao hơn gấp 10 lần và thậm chí lên đến 25 lần. Ngoài ra, khi mật độ nuôi bị hạn chế, nuôi thủy sản xa bờ cũng sẽ giúp người nuôi bảo vệ môi trường hơn.

Mức tiêu thụ thủy sản toàn cầu đang ngày càng tăng và ngành nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tại Nhật Bản, những vùng nuôi nội địa vẫn còn hạn chế, do vậy nuôi thủy sản ngoài khơi được xem là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển của ngành thủy sản.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục