Nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2023 đạt kỷ lục

(vasep.com.vn) Giữa những khó khăn trong bối cảnh hậu Covid-19 song hành cùng những thách thức dồn dập từ suy thoái kinh tế, ngành thủy sản Trung Quốc vẫn vượt sóng lớn, khẳng định vị trí vững vàng trên bản đồ thế giới.

Chú thích ảnh

2023 có thể nói là một năm ghi nhận những “thành tích” mới trong nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Giá trị nhập khẩu cả năm tăng nhẹ 1% nhưng lập kỷ lục mới với 19,23 tỷ USD. Nhập khẩu tôm 1,1 triệu tấn đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có mức nhập khẩu lên tới 7 con số. 

Cua

Đối mặt với quy định thuế và lệnh cấm từ phương Tây, các nhà xuất khẩu Nga đã phải hạ giá cua – mặt hàng vốn được coi là đắt đỏ; đồng thời quay xe tìm các thị trường nhập khẩu mới, trong đó có Trung Quốc. Với giá cua tương đối thấp, 31,47 USD/kg, giảm 24% so với năm 2021 (41,59 USD/kg), Trung Quốc đã không tiếc hầu bao chi 1,6 tỷ USD nhập khẩu 92.936 tấn cua Nga trong năm 2023, tăng 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với năm 2022. Ông Fan Xubing, chuyên gia tư vấn thủy sản ở Bắc Kinh, cho biết: “Nga là đất nước sản xuất cua huỳnh đế lớn nhất toàn cầu. Nhưng không may cho Nga, Mỹ và châu Âu đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu, còn Nhật Bản áp khung thuế mới. Do đó, Nga phải nhanh chóng thay đổi chiến thuật từ xuất khẩu cua đông lạnh sang phương Tây, thành xuất khẩu cua sống sang Trung Quốc và Hàn Quốc”. 

Mực

Năm 2023, nhập khẩu mực vào Trung Quốc tăng 32% về giá trị và 33% về khối lượng, chủ yếu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến tập trung ở các tỉnh ven biển như Sơn Đông, Phúc Kiến, và Chiết Giang. “Trung Quốc thực sự đã trở thành vựa chế biến mực nang và mực ống của thế giới. Chúng tôi thu mua hàng từ các tàu nội địa đánh bắt ngoài khơi, các tàu nước ngoài, đồng thời nhập khẩu từ các thị trường quốc tế. Hầu hết mực ống nhập khẩu đều được chế biến và tái xuất sang châu Âu, Nam Mỹ và Đông Nam Á”, ông Fan cho hay. Tính chung cả năm 2023, Trung Quốc chi 1,17 tỷ USD thu mua mực ống, phần lớn trong số đó dùng để chế biến xuất khẩu. 

Cá hồi

Với xu hướng tiêu dùng thay đổi, nhu cầu tiêu thụ cá hồi ở Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2023, đạt 110.000 tấn. Ngoài ra chất lượng thịt cá cũng được chú trọng. Tuy vậy, sức tiêu thụ của Trung Quốc vẫn kém châu Âu và Nam Mỹ. 

Tôm

Nhập khẩu tôm hùm được cho là tô điểm thêm tính phức tạp của bức tranh thương mại Trung Quốc năm 2023. Theo đó, nhập khẩu tôm hùm Mỹ bất ngờ tăng mạnh 42% về khối lượng, tuy nhiên giá giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó, nhập khẩu tôm hùm bông giảm 38% về khối lượng, nhưng giá đột ngột tăng 13%. 

Theo ông Fan, giữa thời điểm thị trường xôn xao lệnh cấm không chính thức nhập khẩu tôm hùm bông từ Úc, thì “thương mại xám” với Hồng Kông và Việt Nam tăng cao; nhập khẩu thủy sản có vỏ vào Trung Quốc cũng từ đó tăng theo. Khối lượng nhập khẩu tôm của Trung Quốc đạt 1,1 triệu tấn trong năm 2023, nhưng giá trị giảm 5%. Sự tăng trưởng trì trệ nhìn rõ ở 6 tháng cuối năm khi khối lượng nhập khẩu giảm 10% và giá trị giảm 25%. Các nguồn cung tôm lớn nhất của Trung Quốc có sự gia tăng về khối lượng nhưng giá trị giảm gồm có Ecuador, Ấn Độ, Argentina, và Thái Lan. Trong đó, khối lượng tôm Ecuador xuất sang Trung Quốc trong cả năm 2023 tăng 23%, giá trung bình giảm 19%. Tuy cũng là đối tác thương mại tôm lớn của Trung Quốc, nhưng khối lượng xuất khẩu tôm sú của Việt Nam giảm mạnh 72%, giá tăng 23%. Trong 10 nguồn cung của Trung Quốc, Ecuador giành lại vị trí thứ nhất, với giá trị xuất khẩu tôm đạt 3,56 tỷ USD. Việt Nam rớt từ vị trí thứ ba xuống thứ tám. Canada, Ấn Độ và Mỹ nằm trong top 5.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục