Nga: Khủng hoảng tài chính tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu thụ cá

(vasep.com.vn) Các công ty thương mại Nga đang xây dựng các chiến lược khác nhau để tăng doanh số, vì cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra đã ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng trong nước trong những năm gần đây.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào năm 2014 và vẫn đang tiếp diễn, do đồng rúp sụt giá - một phần là do giá dầu giảm mạnh, mặt hàng XK lớn nhất của nước này - và do đó sự tin tưởng của các nhà đầu tư tại Nga cũng giảm theo.

Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau khi sáp nhập Crimea và can thiệp quân sự của nước này ở Ukraine cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế, người tiêu dùng và các công ty thương mại.

Trong khi đó, chính phủ Nga đã tuyên bố một chiến lược mới nâng cao công suất chế biến thủy sản và tăng XK hàng hoá thành phẩm chứ không chỉ nguyên liệu thô.

Tiêu thụ giảm

Theo các số liệu, tiêu thụ cá của Nga đã giảm từ mức trung bình 21 kg/người/năm vào năm 2013 xuống còn 14 kg vào năm 2015.

Trong chương trình thương mại WorldFood Moscow 2017 gần đây, quản lý bán hàng của công ty thương mại và chế biến Lucky Fish cho biết tiêu thụ cá ở Nga hiện nay vẫn không tăng do tiếp tục bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính nước này.

Theo ông, nhiều người tiêu dùng tại Nga thậm chí không có đủ tiền để mua cá do đây là sản phẩm khá đắt đỏ, trong khi thịt có giá rẻ hơn so với cá và có giá cả phải chăng hơn. Ông cũng cho biết một số sản phẩm như cá hồi chum từ vùng Viễn Đông Nga, đắt hơn so với mức lương trung bình của người tiêu dùng. Mức tiêu thụ giảm có thể tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu của công ty Lucky Fish năm nay so với năm ngoái.

Một công ty kinh doanh lớn khác cho biết, khối lượng giao dịch của công ty này cũng giảm từ 200.000 tấn xuống còn 150.000 tấn do cuộc khủng hoảng.

Tiêu thụ cá tại các gia đình giảm trong khi cá là mặt hàng khá đắt so với thu nhập còn thấp của các gia đình. Không những vậy, đồng rúp giảm mạnh so với đồng USD.

Tuy nhiên, một số nguồn tin cho hay, tiêu dùng cá tại Nga đang dần dần tăng lên do "người dân đang dần trở nên quen với giá cao". Trong nửa cuối năm 2016 và nửa đầu năm 2017, tiêu dùng tại Nga đang phục hồi một phần, nhưng vẫn thấp hơn so với trước khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra.

Nếu giá các sản phẩm giảm, tiêu dùng sẽ tăng trở lại.

Chiến lược

Các nhà NK của Nga đang cố gắng mở rộng danh mục đầu tư bằng cách đưa ra các sản phẩm mới như cá chẽm và cá tráp biển. Công ty Lucky Fish tăng doanh thu nhờ cá tuyết cod và cá hồi trout; trong khi công ty Defa mở rộng kinh donah sang các nước láng giềng hoặc trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống.

Công ty Lucky Fish, trước đây chủ yếu kinh doanh thủy sản đông lạnh, hiện tại có kế hoạch đẩy mạnh doanh thu các sản phẩm tươi. Công ty có công suất chế biến khoảng 400 tấn/tháng bắt đầu chuyển sang đẩy mạnh các sản phẩm cá tuyết cod và cá hồi trout từ đầu năm nay.

Một công ty kinh doanh khác, hiện đang có khối lượng giao dịch khoảng 2.000 tấn mỗi tuần, cũng bắt đầu đẩy mạnh doanh số cá chẽm và cá tráp biển Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường Nga từ đầu năm nay.

Một số công ty cũng đang cố gắng mở rộng kinh doanh sang các nước láng giềng, như Kazakhstan.

Một công ty thương mại lớn cho biết chiến lược chính của công ty này là cố gắng cải thiện dịch vụ khách hàng và phân phát hàng hóa đồng thời tăng tính phân loại trong các sản phẩm của mình.

Đa dạng các nhà cung cấp sau lệnh trừng phạt

Hầu hết các công ty cho biết, sau những hạn chế thương mại từ các nước phương Tây, các nhà NK của Nga đã tìm kiếm các nguồn cung mới. Cá hồi Chile đã thay thế bằng cá hồi Na Uy, và cá trích từ Greenland và quần đảo Faroe đã thay thế sản phẩm từ Iceland, Na Uy, Hà Lan và Anh.

NK của một công ty kinh doanh giảm một nửa khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra, nhưng vào năm 2016 doanh thu của công ty này đã quay trở lại mức trước năm 2014.

Một công ty cho biết giá nhiều mặt hàng bán lẻ tăng lên. Và nếu giá giảm, tiêu dùng sẽ tăng trở lại.

Nhu cầu tăng đối với một số loài

Doanh thu một số mặt hàng tương đối mới trên thị trường Nga, như cá ngừ hoặc tôm Mỹ Latinh có xu hướng tăng lên.

Trong khi đó, nhu cầu về các sản phẩm cá từ nguồn cung trong nước cũng tăng trưởng tích cực.

Theo công ty chế biến cá nước ngọt Russian Coast, nhu cầu đối với cá từ nguồn cung trong nước của Nga đã được đẩy mạnh do các biện pháp trừng phạt được đưa ra vào năm 2014.

Khối lượng bán ra của công ty tăng vọt từ 5.000 tấn trong năm 2013 lên 7.500 tấn năm 2014 và lên tới 15.000 tấn vào năm 2015, sau khi lệnh trừng phạt được áp dụng.

Tuy nhiên, khối lượng bán ra của công ty giảm xuống còn 10.000 tấn trong năm 2016 do giảm tiêu dùng bởi đồng rúp giảm so với đồng đô la Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính vẫn đang tiếp diễn.

Công ty này cũng bắt đầu XK các sản phẩm sang Mỹ và Canada từ năm 2016, và dự kiến ​​tổng khối lượng bán ra sẽ phục hồi trong năm 2017 lên 12.000 tấn.

Một công ty thương mại lớn của Nga cho biết họ đã tăng gấp đôi lượng tiêu thụ cá từ nguồn cung trong nước từ khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra.

Một xu hướng mới nổi lên trong các nhà sản xuất Nga là việc chuyển sang thị trường bán lẻ với việc tung ra các sản phẩm có thương hiệu mới.

Chẳng hạn, Norebo - công ty sở hữu 13 công ty con, trong đó có Ocean Trawlers với tổng số 43 tàu trọng tải vừa và lớn ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương - đã tung ra một loạt các sản phẩm đông lạnh thương hiệu mới tại một số nhà bán lẻ ở Moscow và Saint Petersburg vào đầu tháng 9/2017. Công ty có kế hoạch tương tự với các sản phẩm ướp lạnh.

Một công ty khai thác cá lớn khác của Nga là Công ty Thủy sản Nga (Russian Fishery Company) đang sớm bắt đầu tung các sản phẩm cá minh thái có thương hiệu vào thị trường bán lẻ trong nước. Công ty đang quảng bá thương hiệu mới của mình là Nordeco tại Diễn đàn Thủy sản Toàn cầu và Hội chợ Thủy sản tại St Petersburg vào giữa tháng 9/2017.

Đẩy mạnh sản xuất bột cá và khai thác cá biển

Theo Ilya Shestakov, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Nga đẩy mạnh sản xuất bột cá, một trong những phương pháp giúp tăng trưởng ngành nuôi trồng thuỷ sản.

Đồng thời, Nga cũng đưa ra một chiến lược phát triển dài hạn mới cho ngành đánh bắt cá.

Chiến lược bao gồm 5 điểm chính: đổi mới hạm đội, phát triển nguồn lợi sinh học thủy sản, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, áp dụng tiến bộ công nghệ sinh học và mở rộng các ngư trường tại Nam Cực.

Shestakov cho biết tại Diễn đàn Thủy sản Toàn cầu ở Saint Petersburg, theo kế hoạch này, Nga dự kiến tăng sản lượng bột cá, dầu cá và thức ăn nuôi cá từ các loài cá biển. Các nguồn chính bao gồm một số loài nhuyễn thể, cá cơm và một số loài cá biển nhỏ.

Theo Shestakov, sản lượng các loài cá biển bao gồm cá mòi, cá thu và cá cơm – phục vụ thị trường nội địa Nga - dự kiến ​​sẽ tăng lên hơn 300.000 tấn.

Nga dự kiến xây dựng các hạm đội trung bình gồm hơn 30 tàu, có tủ cấp đông và kho trữ hàng.

Đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản cũng nằm trong chiến lược đến năm 2030 của Nga, đặc biệt là cá hồi salmon Thái Bình Dương ở khu vực Viễn Đông.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục