Ba nước châu Âu không thi hành lệnh cấm thải thủy sản trở lại đại dương

(vasep.com.vn) Ba nước lớn ở châu Âu đã không thi hành lệnh cấm thải thủy sản trở lại đại dương, đe dọa đến sự bền vững của trữ lượng thủy sản châu Âu.

Các luật sư môi trường thuộc tổ chức ClientEarth đã công bố 3 báo cáo cho thấy Pháp, Đan Mạch và Tây Ban Nha đã không kiểm soát đầy đủ việc áp dụng “trách nhiệm cập cảng” và đã không xử lý các vi phạm xảy ra ở những quốc gia này.

Trách nhiệm cập cảng tất cả các loài thủy sản khai thác đã được đưa ra năm 2013 nhằm ngăn chặn việc thải sản lượng thủy sản không mong muốn trở lại biển và thúc đẩy người khai thác đưa vào sử dụng các kỹ thuật khai thác chọn lọc hơn. Ước tính 1,7 triệu tấn cá và các loài thủy sản khác đang bị loại thải trở lại biển mỗi năm.

Luật sư về lĩnh vực thủy sản của ClientEarth, Druel cho rằng, nếu việc loại thải vẫn tiếp diễn, sẽ không thể xác định số lượng cá đã bị khai thác trên biển. Do đó, các nhà khoa học sẽ không thể đưa ra ước tính đúng để bảo vệ trữ lượng thủy sản hiện tại do số liệu không đầy đủ. Việc loại thải có thể dẫn đến việc mất hàng triệu tấn cá mỗi năm. Đây là thảm họa đối với trữ lượng thủy sản, hệ sinh thái đại dương và ngành khai thác.

Sau giai đoạn bắt đầu triển khai vào năm 2015, trách nhiệm cập cảng đã trở thành quy định bắt buộc đối với tất cả các nước EU vào tháng 1/2019.

Tuy nhiên, theo các báo cáo của ClientEarth, Đan Mạch, Pháp và Tây Ban Nha đã không áp dụng các biện pháp kiểm soát và các cơ chế cần thiết khi sản phẩm khai thác của các quốc gia này không bao gồm các loài thủy sản loại thải.

Việc thiếu các biện pháp trừng phạt đối với 3 quốc gia trong năm 2017 và 2018 cũng cho thấy lệnh cấm đang không được thực thi đúng cách. Trong giai đoạn này:

- Tây Ban Nha báo cáo không có vi phạm.

- Cơ quan thủy sản Đan Mạch chỉ phát hiện 3 hành vi vi phạm.

- Chính quyền Pháp không áp dụng lệnh trừng phạt.

 Một số giải pháp hiện hành để đảm bảo rằng cá sẽ không bị loại thải trong quá trình khai thác bao gồm việc trang bị tàu cá với hệ thống giám sát điện tử như lưới cảm biến, CCTV. Các nhà khoa học khuyến khích cơ quan công quyền áp dụng các công cụ và các biện pháp trừng phạt để ngăn chặn việc loại thải thủy sản.

Năm 2017, Tây Ban Nha chiếm 21% tổng đội tàu của EU xét trên khía cạnh năng lực đội tàu (tổng trọng tải), trong khi Pháp chiếm 11%. Đan Mạch, cũng là một trong những quốc gia khai thác thủy sản lớn nhất ở châu Âu, hiện cũng đang đối mặt với một hành động pháp lý của EU vì đã không kiểm soát hiệu quả các hoạt động khai thác và báo cáo sai sản lượng khai thác trái phép.

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục