10 vấn đề ảnh hưởng đến ngành thủy sản Trung Quốc năm 2019

(vasep.com.vn) Trung Quốc là quốc gia đông dân nhất, và cũng là nước tiêu thụ thủy sản nhiều nhất thế giới. Đây là một thị trường năng động, đa dạng và phát triển nhanh. Dưới đây là 10 vấn đề lớn nhất mà ngành thủy sản nước này đối mặt trong năm 2019.

1.Vấn đề về nợ nần

Khu vực tư nhân Trung Quốc - bao gồm các công ty thủy sản - đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn.

Các doanh nghiệp tư nhân đang gặp khó khăn về vấn đề tiền mặt kể từ khi chính phủ đẩy lùi các ngân hàng “ngầm”, những người cho vay “ngầm”, lãi suất cao và không chính thức. Đây thường là nguồn tài chính duy nhất cho các doanh nghiệp rủi ro ở Trung Quốc. Mặc dù, Chính phủ đang thúc ép các ngân hàng cắt giảm lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, nững nỗ lực đó khó có khả năng đem lại nhiều tiền mặt hơn cho các công ty cận biên có tài chính khó khăn. Nhiều nhà chế biến thủy sản phụ thuộc vào các khoản vay để tồn tại. Những khó khăn hiện tại của công ty chế biến Đại Liên (Dalian Tianbao ) với khoản nợ lớn là một trường hợp điển hình.

Những vấn đề nợ nần của Trung Quốc - thường xuất hiện trong việc quản lý tài chính không minh bạch ở cấp chính quyền địa phương, cũng như ở các công ty. Những dự án được quản lý bởi chính quyền địa phương tốn nhiều kinh phí, tuy nhiên không mang lại nhiều giá trị. Thâm hụt tài chính trong năm 2018 là 4,2%, đây mức cao nhất kể từ những năm 1990, trong thực tế mức này có thể cao hơn. Trung Quốc có một vấn đề về nợ nần nhưng hiện tại họ muốn giải phóng một làn sóng tín dụng mới vào năm 2019 để thúc đẩy nền kinh tế, do đó mục tiêu cân bằng sẽ khó để đạt được. Thậm chí, vấn đề này sẽ có thể trầm trọng hơn trong năm 2019.

2. Thỏa thuận về cuộc chiến thương mại: phần thắng có thể thuộc về các nhà xuất khẩu thủy sản của Hoa Kỳ?

Giải pháp nào cho cuộc chiến thương mại đầy quyền lực hiện nay cũng đều dẫn đến việc NK từ Mỹ vào Trung Quốc phải nhiều hơn so với các đối tác thương mại khác như châu Âu. Trung Quốc quả quyết rằng họ có thể làm dịu sự căng thẳng bằng việc tăng cường nhập khẩu hàng hóa cần thiết - như các mặt hàng nông sản, thực phẩm,  cũng như các mặt hàng giá trị cao như máy bay phản lực. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp Mỹ mặc định được ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc. Đối mặt với tranh chấp với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã dành nhiều nỗ lực cho các thỏa thuận thương mại tự do để mở ra quan hệ đối tác cung ứng mới từ đó giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ đối tác nào. Sẽ đáng để xem Trung Quốc sẽ làm cách nào để cân bằng giữa chiến lược này và nhu cầu xoa dịu Washington để đạt được thỏa thuận thương mại.

3. Sức mạnh tiêu dùng: làm thế nào để thu nhập của Trung Quốc theo mức tăng trưởng GDP?

Theo Cơ quan Tình báo Kinh tế, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chững lại còn 6,3% trong năm 2019, và theo dự kiến đến năm 2020 sẽ tiếp tục giảm. Đây là điều tự nhiên khi nền kinh tế đã chín muồi, nhưng điều này ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng thu nhập? Mức tăng tiền lương đã vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm gần đây và điều này đã thúc đẩy doanh số bán lẻ và tiêu thụ thủy sản. Tiền lương trung bình của Trung Quốc đã tăng gấp đôi từ năm 2011 đến 2018, thúc đẩy nhu cầu cho thủy sản nhập khẩu và đưa Trung Quốc thành nước có lượng khách đi du lịch nhiều nhất thế giới và khách du lịch đang chi tiêu nhiều tiền hơn. Mức lương công nghiệp trung bình của Trung Quốc gấp hơn 4 lần so với Ấn Độ. Ngoài ra, dân số lao động Trung Quốc đã giảm mạnh kể từ năm 2016 khi dân số già hóa, tạo thuận lợi cho việc tăng lương.

4. Trung Quốc lan rộng phạm vi toàn cầu

Đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đang phát triển trên toàn cầu đang tạo ra kết nối cho các nhà đầu tư Trung Quốc vào nông nghiệp và ngư nghiệp. Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (còn được gọi là Một vành đai,  Một Con đường) đã đặt ra khung chính sách cho việc xây dựng các cảng, nhà máy điện, đường sắt và đường bộ qua Châu Á và Châu Phi của các công ty xây dựng Trung Quốc, nhiều công ty trong số đó được điều hành bởi nhà nước Trung Quốc và được hỗ trợ bởi các ngân hàng Trung Quốc.

Sự lan tỏa này tạo ra dấu ấn và mang lại nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất của Trung Quốc. Trung Quốc tham gia vào nhiều dự án bất động sản trên biển Ả Rập ở Pakistan, họ cũng tham gia vào rất nhiều các dự án khác bao gồm cả việc điều hành một cảng lớn ở Sri Lanka. Đầu năm nay, quan chức thủy sản hàng đầu của Trung Quốc đã khẳng định, Trung Quốc sẽ tìm kiếm sự hợp tác nuôi trồng thủy sản ở nước ngoài thay vì tăng khối lượng xuất khẩu thủy sản nội địa.

5. Nuôi biển: tăng tính cấp bách trong chính sách của Trung Quốc để mở rộng nuôi thủy sản ngoài khơi

Tín hiệu mới nhất của xu hướng này là việc cấm hoạt động khai thác ở Thái Hồ (Lake Tai) trong 6 tháng, bắt đầu từ đầu tháng 3/2019. Một lệnh cấm tương tự đã có hiệu lực đối với sông Dương Tử (Yangtze). Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy 70% ao nuôi trồng thủy sản nước ngọt năm 2015 là ao đất với các cơ sở công nghệ thấp. Rõ ràng, cần có một khoản đầu tư rất lớn, vì những hộ quy mô nhỏ dường như không có tiền để đầu tư và có khả năng rời khỏi ngành. Mặc dù nó không rõ tác động môi trường của các dự án nuôi trồng thủy sản, nhưng có nhiều khả năng sẽ tăng cường hoạt động nuôi biển vào năm 2019.

Để hiểu được xu hướng này ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc như thế nào, hãy nhìn vào số liệu của khu vực sản xuất thủy sản lớn ở Thành phố Vinh Thành (Rongcheng), nơi nuôi trồng thủy sản chỉ tăng 0,6% về lượng và 1,3% về giá trị. Trong khi đó, nhờ các cơ sở nuôi trồng thủy sản xa bờ tổng sản lượng tăng 6,7% (lên 1,14 triệu tấn). Tổng cộng 288 tàu cá xa bờ đã mang lại 75% sản lượng trong số 300.000 tấn đánh bắt của Vinh Thành, trong khi 16 ngư trường giải trí và 14 đồng cỏ cấp tỉnh phục vụ 600.000 khách du lịch với hoạt động câu cá giải trí.

6. Trung Quốc sẽ đi bao xa trong việc thực thi nghề cá quốc tế?

Khi việc giám sát từ xa đối với hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đang ngày càng hiệu quả hơn, điển hình là sự thành công của Global Fishing Watch (Theo dõi hoạt động đánh cá toàn cầu) – thì cũng cần xem Trung Quốc phản ứng thế nào trước sự giám sát này.

Để đảm bảo sự phát triển đúng quy trình của đội tàu khai thác cá ngừ xa bờ của Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã ban hành khuyến nghị về việc tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận cá ngừ toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc đã gửi thông tư đến các công ty đang khai thác khai thác cá ngừ ở vùng biển quốc tế, cảnh báo các công ty không đăng ký với các cơ quan quản lý (theo yêu cầu đối với tất cả các công ty khai thác xa bờ) ngay lập tức ngừng hoạt động hoặc sẽ bị phạt tiền.

Thật thú vị khi thấy các biểu đồ và màn hình lấy từ Global Fishing Watch xuất hiện trên các trang web của chính phủ Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ đơn thuần nhìn thấy điểm đột phá trong giám sát nghề cá toàn cầu do các phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu mới mang lại?

7. Người tiêu dùng, nhà sản xuất Trung Quốc kiểm soát thương mại cá tra

Chỉ cần nhu cầu giảm tại Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến các nền kinh tế Đông Nam Á, tương tự như vậy, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung tạo ra bất ổn cho các nhà sản xuất cá rô phi. Những ai không đủ nhạy bén để tìm các thị trường khác thì đang trông vào cá tra hoặc đang giảm rủi ro bằng cách chuyển đổi một nửa diện tích nuôi sang loại cá này, theo chủ tịch Chen Dan của công ty Quảng Đông Evergreen (Guangdong Evergreen) - công ty này sản xuất tôm, cá rô phi và thức ăn lớn.  Ông Dan nghĩ rằng nhu cầu ở Trung Quốc sẽ chỉ tăng lên, đặc biệt là khi ngành này thay đổi đầu tư vào thức ăn để làm trắng thịt của cá tra sản xuất tại địa phương (người tiêu dùng Trung Quốc không thích cá tra màu vàng).

Nhưng điều này làm dấy lên nỗi ám ảnh về cuộc chiến giá cả với các nhà sản xuất Việt Nam, những người có thể hạ giá để giữ thị phần. Trung Quốc vốn đã có chi phí sản xuất đắt đỏ khi chi phí lao động tại tỉnh Quảng Đông, một khu vực nuôi trồng và chế biến thủy sản quan trọng, gần như gấp đôi so với trung bình tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc đang sản xuất tại các nước Đông Nam Á khác, như trường hợp gần đây là Hua Du Ocean tại Thâm Quyến đang hợp tác với quân đội Lào để sản xuất 20.000 tấn cá tra hàng năm, hoặc các nước khác như Indonesia, Lào và Campuchia sẽ tăng sản xuất cá tra để tận dụng cơ hội thương mại cá tra. Điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến về giá mà người tiêu dùng Trung Quốc hưởng lợi, tuy nhiên ngành cá tra Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

8. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc sẽ có đột phá gen giúp Trung Quốc tự cung tự cấp cá bố mẹ, chống dịch bệnh

Một trong những học viện khoa học hàng đầu của Trung Quốc đã đề xuất công trình đột phá về trình tự gen của tôm thẻ chân trắng năm 2018 có thể giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào nguồn giống bố mẹ nhập khẩu, đồng thời chống lại các bệnh dịch đối với người nuôi tôm địa phương. Bệnh đốm trắng đã gây ra nhiều thiệt hại cho các nhà sản xuất ở Trung Quốc và tiến bộ về các giải pháp di truyền sẽ được hoan nghênh.

Các nhà nghiên cứu Xiang Jian Hai và Li Fu Hua tại Viện Nghiên cứu Đại dương, Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, đã dành 10 năm để lập bản đồ trình tự gen của tôm thẻ chân trắng, loài thủy sản Trung Quốc chiếm 25% sản lượng toàn cầu. Nghiên cứu của họ đã được công bố trên tạp chí “Nature” của Trung Quốc. Trung Quốc đã nỗ lực quản lý các vấn đề về dịch bệnh và chất lượng, trong khi đó tiêu dùng địa phương tăng lên đã khiến nước này phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Xác định trình tự di truyền đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong các nỗ lực khoa học của Trung Quốc. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc là một phần của một nhóm các tổ chức xuất sắc được chính phủ chỉ định nhận tài trợ của chính phủ để nghiên cứu vấn đề ưu tiên quốc gia. Năm 2019 chắc chắn sẽ có nhiều thành công trong nghiên cứu.

9. Nga và Trung Quốc trở thành đối thủ?

Truyền thông Trung Quốc (Tân Hoa Xã - Xinhua) cho biết, gần đây Nga cho đóng 10 tàu có xưởng chế biến tại chỗ và 18 nhà máy chế biến thủy sản mới trên đất liền. Nga muốn đến năm 2025 XK được 225.000 tấn cá thịt trắng phi lê mỗi năm, và thị trường mục tiêu là Brazil. Brazil, một quốc gia đang phát triển với dân số có nhu cầu lớn với các sản phẩm protein giá thấp, từ lâu đã trở thành đối tác chính với sản phẩm cá rô phi Trung Quốc. Điều này rõ ràng là một thách thức đối với các nhà chế biến Trung Quốc nếu Nga (nhà cung cấp hải sản hàng đầu của Trung Quốc, chủ yếu là chế biến và xuất khẩu), nghiêm túc tiếp cận thị trường Brazil. Nhưng kế hoạch của Nga dường như phù hợp với kế hoạch trở thành nhà cung cấp nông sản chính cho Trung Quốc - phần lớn vẫn được nhập từ Vùng Viễn Đông, giáp biên giới Trung Quốc. Không biết Nga có xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết hay không - Trung Quốc đã rất muốn làm điều đó nhưng Nga từ lâu đã lo ngại các tuyến đường sắt và đường bộ mới sẽ dẫn đến việc Trung Quốc sáp nhập Siberia vào nền kinh tế của mình. Do đó, Nga cũng là nhà cung cấp sản phẩm cao cấp như cua hoàng đế cho thị trường nội địa Trung Quốc, dường như muốn đặt ra các điều khoản cam kết với Trung Quốc. Trung Quốc đã xuất khẩu 60.000 tấn thủy sản đến Brazil vào năm 2013, nhưng sau đó bị giảm do vấn đề chất lượng.

10. Những “cú sốc” nguồn cung thủy sản nuôi do chiến dịch đóng cửa các cơ sở nuôi

Giá nhiều loại thủy sản phổ biến như cá chép và cua được duy trì ở mức thấp tại Trung Quốc bởi nguồn cung dồi dào từ những người nuôi không có giấy phép đăng ký, chủ yếu được quản lý trực tiếp bởi các nhà chức trách địa phương, những người nhắm mắt làm ngơ trước các quy định môi trường.

Hiện tại, Trung Quốc đang cố gắng xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường lâu năm. Nhưng sự phát triển tích cực này đang ảnh hưởng đến các nhà sản xuất thủy sản nuôi trồng và đòi hỏi ngành này có sự củng cố lại. Nếu việc kiểm soát và thực thi chống ô nhiễm tiến triển tốt, sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư sản xuất sạch hơn.

Một câu chuyện cảnh báo về việc phá dỡ ở Quảng Đông, ông Fan Chongyi, một nông dân nuôi lợn và cá, đối đầu với chính quyền, mặc dù đã được chính quyền địa phương hỗ trợ ký hợp đồng vào năm 2008 (ông cũng được hỗ trợ bởi một khoản vay của Ngân hàng Thế giới để xây dựng một trang trại mẫu để xử lý bùn). Tuy nhiên, năm 2017 các nhà quản lý môi trường thành phố Thanh Viên (Qingyuan) đã bắt đầu gây khó cho các dự án chăn nuôi và trang trại của ông Fan - được xây dựng một phần trên bãi bồi – và buộc phải đóng cửa. Ông Fan vẫn kháng cáo tại tòa án.

Có vẻ như trang trại của ông Fan sẽ được đưa vào một trang trại sử dụng năng lượng mặt trời khổng lồ bên cạnh. Nhưng trường hợp của ông Fan sẽ khiến rất nhiều nông dân ngừng sản xuất - hoặc đầu tư vào các cơ sở hạ tầng hoặc thực hành tốt hơn. Ai sẽ đầu tư vào  các cơ sở để nuôi trồng thủy sản nước ngọt ở Trung Quốc bền vững hơn - ngoài các tập đoàn lớn?

Minh Công

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục