Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bất lợi, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản Trung Quốc gặp nhiều yếu tố bất lợi. Nhiều doanh nghiệp không bỏ trứng vào một giỏ, tìm kiếm những thị trường mới tiềm năng và hấp dẫn hơn.
Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bất lợi doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới
Ảnh minh họa

Nhiều yếu tố bất lợi

Theo Tổng cục Hải quan, Trung Quốc chiếm khoảng 10,5% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường 1,3 tỷ dân đạt 522 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bất lợi, doanh nghiệp tìm miền đất hứa mới - Ảnh 1.
Số liệu: Tổng cục Hải quan

Trao đổi với người viết, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết hiện nay cả Việt Nam và Trung Quốc đều đang trong giai đoạn tăng cường phòng dịch khiến số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất nhập khẩu giảm mạnh.

Bản thân nhà nhập khẩu nhập trực tiếp hoặc nhập rồi phân phối qua các kênh trung gian cũng e ngại vấn để thủ tục logistics, kiểm dịch COVID-19.

"Hiện nay, năng lực sản xuất của các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam hiện chỉ đạt 30 – 40%.

Bên cạnh đó, hôm nay cảng này dừng hoạt động, ngày mai cửa khẩu kia khó thông quan, không doanh nghiệp nào có thể chắc chắn thời gian giao hàng, nhận hàng. Mọi thứ đều đang bất định.

Do đó, cần nhanh chóng tiêm vắc xin cho công nhân, ổn định sản xuất trở lại thì mới tính được chuyện tiếp cận, giao dịch với khách hàng", ông Hòe nói.

Hiện nay, Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm tra virus SARS-CoV-2 đối với hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu từ các nước cũng khiến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường này giảm liên tiếp trong nhiều tháng.

Bên cạnh đó, nguyên nhân nội tại là xuất khẩu thuỷ sản của chính Trung Quốc cũng sụt giảm vì COVID-19. Do đó, theo một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc muốn người tiêu dùng, nhà chế biến thuỷ sản nước này tập trung tiêu thụ nguồn nguyên liệu trong nước.

Ngoài ra, giá xuất khẩu thủy sản tăng chậm, không hấp dẫn doanh nghiệp cũng là yếu tố quan trọng khiến xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc giảm. 

Chia sẻ với người viết, đại diện CTCP Nam Việt (Mã: ANV) cho biết 6 tháng cuối năm 2020, thị trường Trung Quốc từng mang đến cho ANV nhiều hợp đồng lớn, chiếm gần 40% tổng doanh thu xuất khẩu của công ty.

"Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá bán tại thị trường này không tăng kịp với chi phí đầu vào nên ANV đã chủ động giảm tỷ lệ xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc để tập trung vào các thị trường còn giữ được biên lợi nhuận tốt. 

Trong tháng 6, xuất khẩu sang thị trường này chỉ còn chiếm gần 4% doanh thu xuất khẩu của ANV" đại diện Nam Việt cho biết.

Theo báo cáo tài chính quý II của CTCP Nam Việt, doanh thu thuần đạt 1.074 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24 tỷ đồng, giảm 25%.

Lý giải về việc lợi nhuận giảm mạnh, ANV cho biết nguyên nhân chính là chi phí tài chính tăng 42% và chi phí bán hàng tăng đột biến 137%, đặc biệt cước tàu và phí vận chuyển.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của ANV đạt 1.780 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế đạt 88 tỷ đồng, tăng 17%.

Chuyển hướng sang thị trường mới

Những khó khăn ở thị trường Trung Quốc đang bóp nghẹt lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Nhiều công ty bắt đầu mở rộng và rải đều thị phần xuất khẩu ở những thị trường tiềm năng, bù đắp sự sụt giảm ở Trung Quốc.

Đại diện ANV cho biết: "Bên cạnh những đối tác truyền thống như tại Đông Nam Á, Trung Quốc, Châu Âu, ANV đang khai phá thị trường Nam Mỹ và bước đầu đạt kết quả khả quan".

Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc bất lợi, doanh nghiệp tìm miền đất hứa mới - Ảnh 2.
Xuất khẩu cá tra được kỳ vọng tăng trưởng tốt ở thị trường Nam Mỹ

Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra sang Columbia tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 7,5% kim ngạch xuất khẩu của công ty.

Xuất khẩu cá tra sang Mexico tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020, chiếm gần 10% kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 1 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020.

Công ty đang hoàn tất các thủ tục xuất khẩu sang Mỹ để được hưởng mức thuế 0% đối với mặt hàng cá tra.

Đại diện Nam Việt cũng cho biết thị trường Nga cũng có thể trở thành điểm đến mới và hấp dẫn với ngành cá tra. Chỉ sau 2 tháng được phép xuất khẩu cá tra sang Nga, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 2,5 triệu USD, chiếm 4% kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của công ty.

"Dù công ty chi khoản lớn tiền tổ chức sản xuất 3 tại chỗ nhưng công suất chỉ đạt mức 40 - 50%. Các đơn hàng vẫn tốt nhưng công ty không thể nào đáp ứng được.

Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát sớm, nhà máy chế biến thủy sản được hoạt động công suất tối đa, chúng tôi tin rằng doanh thu sẽ tăng trưởng mạnh nhờ đơn hàng dồi dào và khả năng đáp ứng nguyên liệu của công ty", đại diện Nam Việt nói.

Nói về việc doanh nghiệp thủy sản khai phá thị trường mới, ông Trương Đình Hòe cho rằng Việt Nam thuộc top quốc gia xuất khẩu thủy sản trên thế giới và có chỗ đứng ở thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU.

Dư địa mở rộng thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp còn rất lớn. Vấn đề chỉ là thời gian và mức độ kiểm soát dịch COVID-19 của nước ta.

(Theo Vietnambiz)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục