Xuất khẩu "tắc" vì thiếu vỏ container: Tại sao Việt Nam chưa sản xuất được

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam có đủ năng lực để đóng mới container phục vụ hàng hoá xuất khẩu, tuy nhiên, có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.

Tại sao Việt Nam không tự sản xuất container?

Theo phản ánh của các hiệp hội ngành hàng như thủy sản, cà phê, lương thực, nhựa, rau quả…, giá thuê container hiện đã tăng đột biến gấp 10 lần so với thời điểm trước tháng 10.2020. Nguyên nhân do thiếu vỏ container rỗng, trong khi số container tồn đọng tại các cảng lại lên đến hàng nghìn chiếc.

Bên cạnh đó, việc tăng giá cước vận tải khiến xuất khẩu gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao, thậm chí có đơn vị phải phá sản. Để tháo gỡ tình trạng này, một số ý kiến cho rằng, tại sao Việt Nam không tự sản xuất container?

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container, nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Xuất khẩu tắc vì thiếu vỏ container Tại sao Việt Nam chưa sản xuất được
Hơn 3 tháng gần đây, giá thuê tàu biển và container liên tục tăng cao, có thời điểm tăng gấp 10 lần so với thời điểm từ tháng 10.2020 trở về trước.

Ông Trần Thanh Hải dẫn lời lãnh đạo một doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container - cho biết, việc đóng mới container hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam nhưng có nhiều lý do để các đơn vị không mặn mà tham gia sản xuất.

Container là mặt hàng tương đối đặc thù, muốn làm phải có đơn hàng cam kết số lượng nhất định và đều đặn trong khi số khách hàng lại không nhiều. Sản xuất container cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất nên họ phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơ-mooc, sơ-mi rơ-mooc để tồn tại.

Sẽ thanh lý hơn 3.000 container hàng ngoại vô chủ ở các cảng

Theo thông báo của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, hiện nay có hơn 3.000 container hàng tồn đọng đang nằm ở cảng.

Theo quy định, cơ quan hải quan đã thông báo để tìm chủ hàng. Tuy nhiên, quá thời gian chủ hàng không đến nhận thì cơ quan hải quan sẽ làm thủ tục thanh lý theo quy định để giải phóng hàng hóa ở cảng và có thêm nguồn vỏ container cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.

Việc thanh lý phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn nhập khẩu vào Việt Nam. Nguồn tiền thu được sẽ sung quỹ ngân sách nhà nước theo quy định.

Ngoài lô hàng tiêu dùng, đủ tiêu chuẩn nhập khẩu còn có các container hàng rác thải, phế thải gây ô nhiễm môi trường, không đủ điều kiện nhập khẩu. Cơ quan hải quan sẽ buộc hãng tàu phải tái xuất container rác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, trước tình trạng chi phí thuê tàu và container rỗng tăng giá đột biến, sau khi nghe báo cáo của Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm.

Trước đó, tháng 12.2020, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng về việc giá cước tàu biển, giá thuê container tăng rất cao gây bất lợi, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Bộ Công Thương nêu rõ: Năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của doanh nghiệp Việt vẫn còn hạn chế, không có bãi tập kết (depot) container rỗng đủ lớn, các depot quy mô nhỏ lẻ, phân tán và không đáp ứng được nhu cầu đóng hàng xuất khẩu. Việt Nam có rất ít doanh nghiệp kinh doanh đóng mới và sửa chữa container, đặc biệt là container chuyên dùng, do vậy phải phụ thuộc vào lượng container của hãng tàu nước ngoài.

(Theo báo Lao Động)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục