Mặc dù thắng lớn trong nửa đầu năm, nhưng thời gian còn lại của năm nay, cộng đồng doanh nghiệp ngành thủy sản vẫn cần được hỗ trợ nhiều hơn để tháo gỡ những khó khăn do chi phí phát sinh và nguyên liệu khan hiếm.
Áp lực tăng chi phí và thiếu nguyên liệu
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam), mặc dù kết thúc quý II/2022 hoạt động xuất khẩu thủy sản nói chung ghi nhận mức tăng trưởng mạnh cả về kim ngạch và lợi nhuận. Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa tháng 7, áp lực về chi phí và nguyên liệu đầu vào đã lớn dần đối với các doanh nghiệp ngành tôm và cá tra, cá basa.
Cụ thể, đối với ngành tôm, do năm nay vụ nuôi chính tại các tỉnh ĐBSCL kết thúc sớm hơn mọi năm (do người dân lo ngại biến động giá và dịch bệnh đã thu hoạch sớm) nên số lượng tôm nguyên liệu không đạt kích cỡ xuất khẩu khá phổ biến.
“Đầu quý III thường là cao điểm mùa tôm, các doanh nghiệp sẽ tập trung mua vào để chế biến. Nhưng năm nay tỷ lệ đáp ứng nguyên liệu tôm ở các doanh nghiệp chỉ đạt khoảng 2/3, thậm chí 1/3. Do đó, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ đơn hàng”, ông Lực nhận định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) cho rằng, bước sang quý III, áp lực chi phí vận tải cũng như ảnh hưởng của biến động tỷ giá giữa đồng Euro và đồng USD đã bắt đầu tác động đến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản.
Theo đó, ở thị trường Mỹ, tôm giá rẻ từ Ấn Độ và Ecuador thâm nhập, cộng với tôm không thuế chống bán phá giá từ Indonesia được nhập vào nhiều đã khiến tôm của các doanh nghiệp Việt chịu áp lực cạnh tranh rất mạnh.
Ở thị trường châu Âu, việc đồng Euro mất giá khá mạnh so với đồng USD khiến các nhà nhập khẩu buộc phải tăng giá bán. Trong khi đó, đồng tiền mất giá cũng làm người dân các nước thắt chặt chi tiêu hơn. Từ đó, các doanh nghiệp giảm số lượng nhập khẩu và tìm cách ép giá các nhà cung cấp thủy sản.
Ở trong nước, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Ủy ban Hải sản của Vasep cho rằng, đến hiện nay mặc dù giá cá giống đã giảm 40% so với mức đỉnh vào tháng 4/2022 nhưng cũng đã tăng 20% so với cùng kỳ. Giá tôm và cá nguyên liệu hiện vẫn ở mức cao do chi phí thức ăn thủy sản tăng 15% so với đầu năm và tăng 30% so với cùng kỳ. Vì vậy, áp lực chuẩn bị các đơn hàng cho các tháng cao điểm xuất khẩu quý cuối năm (dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh) là rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp.
Trong khi đó, mới đây việc điều chỉnh mức thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển tại khu vực TP.HCM đã giúp hạ nhiệt phần nào chi phí vận chuyển, logistics đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, sau nhiều tháng gồng gánh chi phí container, chi phí lưu cảng và chi phí xăng dầu đã khiến các doanh nghiệp đuối sức, gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chủ động cũng như thiếu hụt nguồn vốn lưu động để thu mua và thanh toán nguyên liệu nhập khẩu.
Kỳ vọng chính sách hỗ trợ đồng bộ
Theo phân tích của Vasep, kết thúc nửa đầu năm nay, hầu hết các doanh nghiệp ngành cá tra đều ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội. Nhiều doanh nghiệp lớn như: Vĩnh Hoàn, Nam Việt, IDI, Biển Đông, NTFS… mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đều gấp 2-3 lần so với cùng kỳ nhờ hưởng lợi từ chu kỳ tăng giá sau đại dịch Covid-19.
Chuẩn bị cho chu kỳ đơn hàng mới vào các dịp lễ, tết cuối năm hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung mở rộng quy mô đầu tư các vùng nguyên liệu liên kết. Do đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần được các địa phương triển khai sớm để doanh nghiệp có thể tiếp cận và hưởng lợi. Trong đó, các địa phương, nhất là ở khu vực ĐBSCL cần khuyến khích mạnh mẽ và cụ thể hơn đối với các doanh nghiệp đang cố gắng đầu tư tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung.
Ngoài ra, các chính sách về khuyến khích nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để chế biến xuất khẩu cũng cần được Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đẩy nhanh ban hành bằng các văn bản pháp lý, giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội cạnh tranh về giá thành sản xuất hàng xuất khẩu với các nguồn cung rẻ hơn tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.
Riêng ở góc độ tài chính và tín dụng, bà Lê Hằng - Phó giám đốc Trung tâm Vasep.Pro của Vasep cho rằng các chính sách hỗ trợ về thuế (giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế) và hỗ trợ giãn nợ vay từ các NHTM thời gian qua đã hỗ trợ khá nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản, nhất là trong các tháng đầu năm sau khi hoạt động sản xuất, thương mại được khôi phục lại sau thời gian giãn cách phòng chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp, các địa phương cần hỗ trợ nhiều hơn đến các chuỗi giá trị liên kết, bởi hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều thiếu nguyên liệu chế biến. Trong khi đó, người dân và các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản đều đã cạn vốn để tái đầu tư ao nuôi, hoặc phải “bán lúa non” nhằm giải tỏa áp lực tài chính.
Bà Lê Hằng cũng cho biết, hiện nay một số địa phương như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau các doanh nghiệp ngành thủy sản đều đã kiến nghị địa phương và các NHTM hỗ trợ giảm 2% lãi suất cho vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Bởi đa số các doanh nghiệp từ trước đến nay thường vay vốn bằng ngoại tệ (chủ yếu bằng USD) lãi suất dao động 3-4%/năm. Trong khi đó, nếu vay bằng VND và được giảm 2% lãi suất từ ngân sách thì sẽ giúp doanh nghiệp có vốn rẻ để tập trung thu mua nguyên liệu và chủ động hơn trong việc đàm phán các đơn hàng xuất khẩu các tháng cuối năm.
Mỹ Hạnh (Theo Thời báo Ngân hàng)