Một người dân ở xã Phú Gia đã nuôi thành công loài cá nước lạnh đặc sản trên vùng đất “chảo lửa” huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).
Loài cá nước lạnh đã được nuôi thành công tại "chảo lửa" Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Cá tầm là một trong những loài cá nước ngọt đặc sản, có kích thước lớn. Loài cá này ưa lạnh và đòi hỏi kỹ thuật nuôi, môi trường nước hết sức khắt khe.
Tại Việt Nam, bao năm qua chỉ có duy nhất Sapa và Lâm Đồng, nơi được thiên nhiên ưu đãi về thời tiết và khí hậu mới đủ điều kiện để nuôi loài cá này. Tuy nhiên, gần đây, khi nhu cầu tiêu dùng cá tầm ngày càng lớn, nhiều địa phương bắt đầu nuôi thử nghiệm giống cá này, trong đó có tỉnh Hà Tĩnh.
Về lâu dài chưa thể khẳng định hiệu quả hay tính bền vững của việc nuôi cá tầm tại Hà Tĩnh, song bước đầu mô hình thử nghiệm ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê đã thành công ngoài mong đợi của chính hộ sản xuất, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn.
Ông Lê Khắc Tân (61 tuổi), trú xã Phú Gia vốn là công nhân lâm nghiệp thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Khê. Từ năm 2011, nhiều lần chứng kiến rừng bị “chảy máu”, ông đã xin nhận khoán bảo vệ gần 400 ha của BQL nhằm gìn giữ màu xanh cho rừng, đồng thời kết hợp chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thuỷ sản để tăng thu nhập.
Sau khi nuôi gần 1 năm, trọng lượng cá đạt từ 1,8 - 2,2 kg/con. Ảnh: Thanh Nga.
Ban đầu là nuôi các loài cá như mè, trắm, chép… nhưng quá trình nuôi nhận thấy nước khe Rào Trình chảy ra mát lạnh, mùa hè nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc hơn 40 độ C nhưng nước dưới khe chỉ khoảng 23 độ C, mùa đông còn xuống 10-15 độ nên ông quyết định thử sức với giống thuỷ sản mới, ưa lạnh là cá tầm.
Hiện nay ở Việt Nam có 4 loài cá tầm đang được nuôi tại các trang trại nuôi thuỷ sản ở các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên là cá tầm Siberi (Acipenser baerii), cá tầm beluga (Husohuso), cá tầm Nga (A. gueldenstaedtii) và cá tầm sterlet (A. ruthenus). Trong đó, đối tượng nuôi phổ biến nhất tại hầu hết các cơ sở nuôi là cá tầm Siberi.
“Trước khi quyết định đầu tư tôi đã mời cán bộ kỹ thuật về kiểm tra khí hậu, nguồn nước cũng như môi trường sống cho cá tầm. Sau khi nhận được kết quả khảo sát, đánh giá khả quan, tôi bỏ ra hơn 500 triệu đồng đắp lại bờ bao, trải bạt và cải tạo lại các ao nuôi với diện tích khoảng 2.000 m2”, ông Tân chia sẻ.
Nguồn nước từ Rào Trình được dẫn tuần hoàn qua hệ thống đường ống khép kín, cung cấp oxy liên tục cho cá, đảm bảo môi trường ao hồ luôn sạch và có dòng chảy. Phần ao nuôi cá rộng hơn 100 m2, chia thành từng ô và có độ sâu hơn 1 m. Các ao còn lại để nuôi cá tạp như rô phi, diếc... để bổ sung thức ăn cho cá tầm khi trưởng thành.
Tháng 10/2021 lứa cá tầm 500 con đầu tiên được xuống giống. Cá lúc này dài từ 8-10 cm, trọng lượng 150 con/kg.
“Loài cá này sống tầng đáy, ăn chìm, lúc nhỏ chúng ăn cám. Khi lớn chút, tôi cho ăn cá tạp xay nhỏ để giúp thịt săn chắc, ngon. Thời gian đầu khá lo lắng bởi chưa có kinh nghiệm nhiều nhưng tôi tranh thủ thời gian rỗi, mày mò tìm hiểu thêm trên sách báo, mạng internet, lâu dần tự tin nuôi”, ông Tân cho hay.
Kết quả sau gần một năm nuôi thử nghiệm, đàn cá tầm hàng trăm con sinh trưởng tốt, trọng lượng mỗi con 1,8 - 2,2 kg, dài hơn 50 cm. Với giá bán 250.000-300.000 đồng/kg, dự kiến doanh thu đạt gần 300 triệu đồng.
Việc nuôi thử nghiệm thành công cá tầm ở Hương Khê đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân các huyện miền núi tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga.
Vui mừng vì nuôi thử nghiệm thành công mô hình cá nước lạnh trên “chảo lửa” Hà Tĩnh nhưng ông Tân cũng khá lo ngại về thị trường tiêu thụ.
Về lâu dài, dự kiến ông Lê Khắc Tân sẽ liên kết với các trang trại cá tầm ở phía Bắc để nuôi và tiêu thụ mỗi năm khoảng 5.000 con giống trên diện tích ao cá sẵn có của gia đình.
Ở góc độ chuyên môn và quản lý nhà nước, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Khê Dương Ngọc Hoàng khẳng định: “Mô hình nuôi thử nghiệm loài cá nước lạnh ở Hương Khê đã thành công và mang lại hiệu quả bước đầu khá tốt”.
Chỉ với diện tích 2.000 m2, doanh thu từ nuôi cá tầm đạt trên dưới 300 triệu đồng. Ảnh: Thanh Nga.
Huyện Hương Khê sẽ đánh giá lại tính thích nghi, hiệu quả của giống cá tầm để mở rộng mô hình, từ đó xây dựng thị trường giúp người dân phát triển kinh tế.
Bảo Ngọc (Theo Nông nghiệp Việt Nam)