Nâng cao giá trị chế biến thuỷ sản

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều loại nông sản của Quảng Ninh bị tồn đọng, nhất là mặt hàng thủy sản. Vì vậy, việc phát triển công nghiệp chế biến chính là định hướng đúng đắn, không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, mà còn giúp ngành Nông nghiệp thích nghi với tình hình mới.
Nâng cao giá trị chế biến thuỷ sản
Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh đầu tư thiết bị hiện đại trong chế biến sản phẩm, giúp nâng cao giá trị thuỷ sản.

Liên tiếp trong những tháng cuối năm 2020, thị trường tiêu dùng thực phẩm của thủ đô Hà Nội đã được chứng kiến sự sôi động, nhộn nhịp và mới lạ do Tuần giới thiệu sản phẩm thủy sản, OCOP Quảng Ninh tại Hà Nội mang đến. Tại các chương trình bán và giới thiệu sản phẩm, ngoài những sản phẩm thuỷ hải sản tươi sống đã có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, như: Tôm, ghẹ, hàu, ngao hai cùi, cù kỳ, sò lông, sò huyết... các đơn vị kinh doanh thuỷ hải sản của tỉnh đã giới thiệu tới người tiêu dùng thủ đô rất nhiều sản phẩm thủy sản đã qua sơ chế, chế biến với công nghệ mới. Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, các sản phẩm thuỷ sản Quảng Ninh đã qua sơ chế, chế biến có chất lượng khá tốt, vừa giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng vốn có, vừa dễ bảo quản, dễ sử dụng, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu trong cuộc sống hằng ngày.

Qua 2 lần được tổ chức, không chỉ đạt doanh thu cao lên đến hàng tỷ đồng mỗi dịp, mà các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuỷ hải sản của tỉnh cũng đã tìm được đối tác hợp tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội, như: Công ty CP Green Aquatech - Công ty TNHH MM Mega Việt Nam, Công ty TNHH Hải sản Vân Đồn - Công ty CP 3 Lửa và HTX Dịch vụ nuôi trồng và chế biến thủy hải sản Tâm Thảo - Cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, Nguyễn Sơn.

Người tiêu dùng Hà Nội rất quan tâm và có nhu cầu mua lớn đối với các sản phẩm thuỷ, hải sản tươi sống của Quảng Ninh.
Người tiêu dùng Hà Nội rất quan tâm và có nhu cầu mua lớn đối với các sản phẩm thuỷ, hải sản đã qua sơ chế, chế biến của Quảng Ninh.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trên địa bàn tỉnh hiện có 6 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đem lại giá trị xuất khẩu hằng năm khoảng 20 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch đạt hơn 10 triệu USD với thị trường chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Bắc Mỹ... Các doanh nghiệp đều đảm bảo tiêu chuẩn, được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cấp giấy "Chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh trong chế biến thủy sản”; áp dụng đúng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế vào trong quy trình chế biến, như: HACCP, GMP, SSOP, ISO...

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 20 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa có quy mô nhỏ và vừa với các sản phẩm, như: Nước mắm, chả mực, thuỷ sản khô, ruốc hàu, ruốc cơ trai, hàu sữa chưng thịt, sứa... hiện là những sản phẩm có thương hiệu, là chủ lực trong chương trình OCOP. Trong 60 sản phẩm thủy sản tham gia OCOP, đã có 14 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao (chiếm hơn 10% số sản phẩm đạt 3 đến 5 sao), có thị phần tiêu thụ cao trong tỉnh.

Ngành thủy sản nói chung và mảng công nghiệp chế biến thủy sản nói riêng tại Quảng Ninh được xác định là có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển khá thuận lợi trong khả năng cân đối cung cầu, nhiều thị trường tiềm năng đối với các sản phẩm có giá trị cao... Tuy nhiên, công nghiệp chế biến thủy sản của Quảng Ninh hiện vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng do khó khăn trong nhiều vấn đề, như: Thiếu và chậm đổi mới công nghệ chế biến; thiếu mối liên kết chuỗi từ nuôi trồng, khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, giá trị ở phân khúc sản phẩm có giá trị kinh tế cao; chưa khai thác được các thị trường tiềm năng...

Nhân viên Công ty CP Green Aquatech phân loại, đóng gói thuỷ sản sau khi sơ chế, chế biến bằng công nghệ khí cải tiến MAP.
Nhân viên Công ty CP Green Aquatech phân loại, đóng gói thuỷ sản sau khi sơ chế, chế biến bằng công nghệ khí cải tiến MAP.

Để gỡ “nút thắt” cho vấn đề chế biến, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị thuỷ sản, Sở NN&PTNT đã xây dựng Quy hoạch chuyên đề về phát triển chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nằm trong Đề án phát triển ngành thủy sản Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với một số mục tiêu, như: Đến năm 2025, công nghiệp chế biến thủy sản sẽ trở thành ngành công nghiệp chế biến sâu theo chuỗi giá trị, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới được mở rộng; vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến được quy hoạch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; sản phẩm có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm... Với mục tiêu đó, phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh sẽ đạt khoảng 150 triệu USD, trong đó riêng giá trị chế biến xuất khẩu đạt 60 triệu USD; 100% doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của thị trường thế giới; 100% cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa có sản phẩm chất lượng cao, có chỗ đứng trên thị trường trong nước...

Hiện thực hoá những định hướng, mục tiêu này, hiện nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã và đang tích cực vận động, đổi mới, đầu tư cho công nghiệp chế biến, nhằm nhanh chóng khẳng định vị thế, thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường. Tiêu biểu có thể kể đến Công ty CP Green Aquatech (TP Cẩm Phả) hiện đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng trang bị hệ thống thiết bị, ứng dụng công nghệ chế biến, làm mát và đóng gói khí cải tiến MAP - công nghệ được áp dụng rộng rãi tại các nước châu Âu vào sơ chế và chế biến thuỷ sản. Sau đầu tư, Green Aquatech đã cho ra thị trường 11 loại sản phẩm thủy, hải sản đã qua sơ chế và chế biến. Các sản phẩm hiện đã được bày bán phổ biến tại hệ thống Big C, Mega Market cả trong và ngoài tỉnh. Trong đó, một số sản phẩm chủ lực, như chả mực tươi có sản lượng tiêu thụ 1 tấn/tháng, cá song cắt khúc tiêu thụ 5-7 tạ/tháng...

(Theo Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Chia sẻ:


Bình luận bài viết

Tin cùng chuyên mục